Thành Phố Mumbai, Ấn Độ: Ước Mơ Và Thách Đố

Giới thiệu: Hiệp Hội Phục Vụ Xã Hội FMM (FMMSSS - The FMM Social Service Society), một sáng kiến của Tỉnh dòng Mumbai, hoạt động từ năm 2004 từ Tu viện Mẹ Vô Nhiễm tại Hanamkonda Telangana. Trong suốt 15 năm qua, chúng tôi đã tập trung vào việc bảo vệ và thăng tiến trẻ em bằng cách trở thành đối tác của CHILDLINE (Dịch vụ tư vấn cho trẻ em và thanh thiếu niên cho đến sinh nhật thứ 19), một dự án dưới sự bảo trợ của Chính phủ Ấn Độ, Bộ Phụ nữ và Phát triển Trẻ em. Cho đến nay, chúng tôi đã giải cứu được 2.243 trẻ em ở tình trạng nguy hiểm và làm việc để đảm bảo cho trẻ em có một tuổi thơ an toàn. 

Vào tháng 1 năm 2019, Hiệp Hội FMMSSS đã khởi xướng một dự án mới ở Quận Warangal có tên là Chương trình Liên Kết Bênh vực Các Thiếu Nữ (GAA), là một sáng kiến chung toàn cầu của Tổ chức Terre des Hommes, Hà Lan, Tổ chức Plan International (một tổ chức phi chính phủ quốc tế phát triển cộng đồng lấy trẻ em làm trung tâm) và Tổ chức Chống nạn mại dâm và buôn bán trẻ em (ECPAT). Chương trình Liên kết này bảo vệ quyền lợi và tạo cơ hội bình đẳng cho các cô gái và phụ nữ trẻ trên mười quốc gia gồm cả Ấn Độ. Mục đích chính của chương trình này là nhằm ngăn chặn nạn buôn bán trẻ em và tình trạng tảo hôn bằng cách thúc đẩy Giáo dục Trung học cho trẻ em gái và đào tạo nghề theo định hướng nghề nghiệp cho phụ nữ trẻ. Dự án FMMSSS-GAA (Hiệp Hội Phục Vụ Xã Hội FMM - Chương trình Liên Kết Bênh vực Các Thiếu Nữ) được thực hiện với sự cộng tác của chính phủ, cộng đồng và Tổ chức Xã Hội Dân Sự (CSO). Đó là cách chúng tôi hưởng ứng, đáp lại hai trong các mối quan tâm mà Tu Nghị Tỉnh Dòng đã kêu gọi, hướng sự chú ý đến việc chống buôn người và giúp di dân.

Hai chiến lược mà dự án Liên Kết Bênh vực Các Thiếu Nữ FMMSSS-GAA tập trung là: Đào tạo và Nối Mạng

 

Đào tạo: 70 nữ sinh viên trẻ được đào tạo cho công tác Bênh vực và làm trung gian dàn xếp cho Giới trẻ (Youth Advocates and Mediators). Họ được đào tạo về các chiến lược bênh vực (advocacy strategies), các Điều luật của Chính phủ liên quan đến trẻ em, kỹ năng sống, kỹ năng lãnh đạo, vai trò của thanh niên trong việc thay đổi định kiến xã hội, cũng như phát triển phim hoạt hình, biếm họa và các kỹ năng mềm khác để thu hút mọi người nhằm đạt được sự bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em. Họ tác động và thuyết phục cộng đồng, các nhà hoạch định và thực hiện chính sách, khởi xướng các thay đổi theo cấp độ chính sách trong việc ngăn chặn tảo hôn và buôn bán trẻ em, thúc đẩy Giáo dục Trung học và đào tạo nghề theo định hướng nghề nghiệp cho phụ nữ trẻ. Sự can thiệp của họ đã giúp giảm tỷ lệ tảo hôn và buôn bán trẻ em ở Quận Warangal. Những phụ nữ trẻ này trở thành tác nhân cho sự thay đổi của chính bản thân họ, như những người tạo ra xu hướng và chất xúc tác cho sự biến đổi xã hội: 

  • Đào tạo và huấn luyện các Câu lạc bộ gia tăng năng lực cho Trẻ em nữ được thành lập bởi Phòng Giáo dục ở các quận huyện của Khu vực thành thị và nông thôn Warangal: Các câu lạc bộ này nhằm mục đích rèn luyện các kỹ năng sống, sức khỏe và các vấn đề xã hội thích hợp cho các thiếu nữ. 
  • Đào tạo các lãnh đạo cộng đồng, các nhà Lãnh đạo tôn giáo của Ấn giáo và Hồi giáo, và các đối tác chính phủ khác như cảnh sát để vận động cộng đồng, Tiếp cận về Giới và nâng cao năng lực.

Nối Mạng: Để giáo dục trẻ em nữ và ngăn chặn nạn tảo hôn thì cần phải huy động các cộng đồng. Ở đây, mục tiêu của chúng tôi là các nhà lãnh đạo tôn giáo, những người có ảnh hưởng đến xã hội qua việc giảng thuyết. Hai mươi nhà lãnh đạo tôn giáo cấp huyện của các cộng đồng Ấn giáo và Hồi giáo đã trở thành những đối tác cam kết trong việc bênh vực trẻ nữ qua việc giảng thuyết và báo cáo các vụ tảo hôn cho cảnh sát. Chúng tôi cũng nối kết với nhiều cơ quan chính phủ và các quan chức để nhận biết và thu hẹp khoảng cách, hướng tới thực thi hiệu quả Đạo luật Ngăn ngừa Hôn nhân Trẻ em, 2006, Đạo luật Đăng ký Hôn nhân Bắt buộc, 2002, và Đạo luật Ngăn chặn Buôn bán Trẻ em Trái đạo đức, 1956. Chúng tôi yêu cầu các bộ liên quan tác động đến chính quyền cả nước để phát triển các kế hoạch chiến lược hành động nhằm ngăn chặn tảo hôn và nạn buôn bán trẻ em. 

Những gì chúng tôi đã có thể đạt được:  Sử dụng các màn trình diễn Flash Mob (một cuộc huy động chớp nhoáng), những người bênh vực giới trẻ (the youth advocates) đã có thể vận động được khoảng 4.000 trẻ em. Họ đã thành công trong việc lấy ngân sách chính phủ để thành lập và huấn luyện các Đơn vị chống buôn người ở tất cả các quận của Telangana: tăng phân bổ ngân sách cho giáo dục trung học ít nhất 10%, thúc đẩy các kế hoạch giáo dục cho các thiếu nữ để trì hoãn hôn nhân và phân bổ hợp lý quỹ tài trợ của các khóa đào tạo định hướng nghề nghiệp cho phụ nữ trẻ. Hai mươi nhà lãnh đạo tôn giáo chủ chốt cấp huyện đã phát triển mạng lưới với 200 nhà lãnh đạo tôn giáo cấp khu vực khác.

20 tổ chức xã hội dân sự đã tiếp cận hơn 12.000 cộng đồng ở Quận Warangal để giúp họ nhạy bén với vấn đề. Các đại diện đã thành công trong việc đệ trình Dự luật liên quan đến việc buôn người (ToP) cho đại diện công chúng, các quan chức chính phủ và các ủy ban liên quan ở cấp huyện, cấp tiểu bang và cấp quốc gia. Mỗi tổ chức xã hội dân sự đã đảm nhận 2 làng hoặc các khu ổ chuột để biến chúng thành nơi bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Họ đã tăng cường các chính sách nội bộ của họ như chính sách Bảo vệ Trẻ em, vấn đề Giới tính và các chính sách Nhân quyền, cũng như chính sách về tài chính để bảo vệ trẻ em và phụ nữ.

Phòng Giáo dục Huyện đã phân bổ ngân sách từ quỹ quyên góp của huyện (District Collectors Fund) để tăng việc tiếp cận giáo dục trung học. Bộ Phụ nữ và Phúc lợi Trẻ em đã luôn thúc đẩy và khuyến khích các ủy ban bảo vệ trẻ em cấp thôn làng để giảm tình trạng bỏ học. Ước mơ và thách đố của chúng tôi là biến quận, huyện của chúng tôi thành một “Quận Huyện Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em”, nơi không có một trẻ em nào bị rời khỏi sự bảo vệ và mạng lưới an toàn, nhưng mọi trẻ đều có một nơi trú ẩn an toàn. Xin Chúa toàn năng chúc lành cho tất cả công việc của chúng tôi!

Regina Chinnappa, FMM.