Đời Sống Nội Tâm của Mẹ Marie de la Passion - Phần II

Thiên Chúa đã thu hút Hélène về cho Ngài, một cách rõ ràng và kỳ lạ, như Ngài muốn chiếm đoạt Hélène vậy. Mẹ cảm thấy sợ hãi và xúc động cách sâu sắc trước cách tỏ tình nầy. Măc dù có được bao đặc ân làm Mẹ thành công, Mẹ vẫn cảm thấy sâu xa sự trống rỗng của mọi sự. Thọ tạo đã không làm cho Mẹ được toại nguyện. Con tim của Mẹ quá lớn lao để có thể chứa đựng được chúng. Mẹ muốn yêu và được yêu không có gì có thể đo lường được, như con tim Me cảm nghiệm có thể yêu. Và chính Thiên Chúa đã tự tỏ mình cho Mẹ để làm cho ước vọng thầm kín của con tim Mẹ được toại nguyện...

 

Đời Sống Nội Tâm của Mẹ Marie de la Passion

Giám Mục NOEL GUBBES

Chuyển ngữ : Elisabeth Trần Thị Quỳnh Giao, fmm

 

II. VĨ ĐẠI HƠN NỮA
BỞI NHỮNG TÀI NĂNG THIÊNG LIÊNG

Sau khi đã thấy nữ tỳ của Thiên Chúa lớn lao với những đặc ân tự nhiên, chúng ta hãy thử nhìn Mẹ qua những đặc ân thiêng liêng.

Thiên Chúa đã cho Mẹ sinh trưởng trong một gia đình quý phái và thật sự đạo đức. Nơi đó Mẹ đã lãnh nhận được một nền giáo dục vững chắc và đầy đủ.

Nhưng thời đó lại là thời mà người ta dạy cho trẻ con về một Thiên Chúa Lề luật hơn là một Thiên Chúa yêu thương. Người ta dạy cho chúng rằng Thiên Chúa muốn điều nầy điều kia, hãy nhanh nhẹn lo mà làm nếu không sẽ có những hậu quả…Và người ta vẫn thường làm cách tin tưởng, nhưng điều còn lại trong ký ức của trẻ con là gì ? Thiên Chúa là một Đấng đáng sợ hơn là đáng yêu…. Người ta phải lo cầu nguyện với Ngài mỗi ngày, cần nhất là cầu nguyện mà không được chia trí lo ra, rằng phải dịu hiền, vâng lời, ngoan ngoãn để làm vui lòng Ngài... Nhưng làm những sự đó thật không dễ chút nào !

Nói tóm lại, đối với trẻ con, Thiên Chúa như một cái gì đó tương tựa như một người chỉ biết cản trở mình nhảy múa, như một ông kẹ. Đó là một cảm tưởng liên lỉ nơi trẻ con. Không suy nghĩ sâu xa, chúng chỉ nghĩ rằng, vì Chúa có đó nên ta phải tôn kính Ngài, vâng lời Ngài thôi. Nên chúng chỉ làm vì phải làm và được thoát ra khỏi Ngài sớm chừng nào thì hay từng nấy.

Đó đúng là điều đáng tiếc, nhưng đó là một sự kiện mà người ta vẫn gieo vào lòng trẻ. Nói cho đúng thì thật sự ra, chính cha mẹ của chúng cũng không hiểu biết gì hơn để dạy cho chúng…chân trời của họ chỉ chừng nấy ; chính họ cũng chỉ biết đến một Thiên Chúa của lề luật và họ chỉ cho được điều gì họ có.

Về Thiên Chúa, thì chúng ta cũng có thể lập lại lời của một vị bác sĩ nổi tiếng đã nói về chính con người : “ Ôi Con người, người lạ mặt vĩ đại nầy.” Đúng vậy, Thiên Chúa cũng là người lạ mặt vĩ đại nầy !

Đó cũng là hoàn cảnh sống của gia đình Hélène de Chappotin. Là người công giáo tự căn bản, họ sống 10 điều răn Thiên Chúa. Nhưng gia đình lại không ngờ đến món quà đến từ trời nên đã không cung cấp cho con trẻ những sự chăm sóc ân cần đặc biệt có thể giúp cho tâm hồn trẻ sớm triển nở sớm hơn trong tình yêu Thiên Chúa.

Đến 16 tuổi, Hélène chỉ biết đến Thiên Chúa của Lề Luật, như chính Mẹ đã nói và Hélène đã phục vụ Người cách trung thành.

a. Nhưng Thiên Chúa đã trao ban cho Mẹ những ân sủng tự nhiên thì Ngài cũng sẽ trao tặng Mẹ những ân ban thiêng liêng đặc biệt.

17 tuổi, Thiên Chúa đã thu hút Hélène về cho Ngài, một cách rõ ràng và kỳ lạ, như Ngài muốn chiếm đoạt Hélène vậy. Mẹ cảm thấy sợ hãi và xúc động cách sâu sắc trước cách tỏ tình nầy. Măc dù có được bao đặc ân làm Mẹ thành công, Mẹ vẫn cảm thấy sâu xa sự trống rỗng của mọi sự. Thọ tạo đã không làm cho Mẹ được toại nguyện. Con tim của Mẹ quá lớn lao để có thể chứa đựng được chúng. Mẹ muốn yêu và được yêu không có gì có thể đo lường được, như con tim Me cảm nghiệm có thể yêu. Và chính Thiên Chúa đã tự tỏ mình cho Mẹ để làm cho ước vọng thầm kín của con tim Mẹ được toại nguyện.

Có một số tác giả gọi hiện tượng nầy là cuộc trở lại thứ hai, nghĩa là tâm hồn, tuy đã sống một đời sống đạo đức, tự cảm thấy được lôi cuốn cách diệu kỳ bởi sự cuốn hút đặc biệt của Thiên Chúa đối với con tim nhạy bén, mời gọi tâm hồn Mẹ kết hiệp cách mật thiết hơn nữa với Ngài, mau mắn sống trung tín hơn nữa với những gì là ý muốn của Thiên Chúa.

Chúng ta thử giải thích điều nầy : chúng ta có thể biết Thiên Chúa bằng 3 cách khác nhau. Trước tiên, bằng lý trí bình thường, qua sự nhìn ngắm tất cả những những gì chúng ta thấy xung quanh mình, vũ trụ với những kỳ công tuyệt diệu của chúng và từ đó có thể kết luận về sự hiện hữu của Thiên Chúa với những đặc tính riêng của Ngài. Kế tiếp, qua Mạc khải của Ngài, nơi đó chính Ngài tự tỏ mình cho chúng ta.

Thiên Chúa Mạc khải cho ta biết những chân lý lớn lao về Thiên Tính của Ngài và những tương giao của chúng ta với những chân lý đó. Lời Mạc khải nầy đủ, và hơn thể, có thể làm ta nên thánh nếu ta logic và trung tín với chính minh. Lời Mạc khải nầy chứa đựng giáo lý cơ bản của Giáo Hội - là cơ cấu do Thiên Chúa thành lập - có khả năng dẫn ta đến đời sống vĩnh cửu.

Nhưng Thiên Chúa lại muốn dành cho mình một phương tiện thứ ba để có thể tương quan trực tiếp với thọ tạo của Ngài. Ngài sẽ làm cho con tim của ta bén nhạy và tập luyện cho linh hồn ta biết cảm nghiệm về Ngài ngay từ trên đời nầy. Cách nói nầy thuộc về Thánh Thomas khi ngài trách móc các tín hữu không biết tận hưởng và vui mừng đủ ngay từ bây giờ, khi Thiên Chúa tự hiến cho họ.

Lời mời gọi đặc biệt nầy không phải là hiếm hoi hay là một điều gì kỳ lạ, song nó cũng không kém diệu kỳ. Khi tâm hồn đã một lần cảm nghiệm được, thì nó không bao giờ quên, nó không lầm lẫn, nó có thể phân biệt được đó là Thiên Chúa của mình, biết rõ rằng chính Thiên Chúa đang đi vào cuộc đời của mình, đặt bàn tay của Ngài trên thọ tạo của Ngài, và nếu tâm hồn đó mềm dẻo trong bàn tay của Ngài thì Ngài sẽ chiếm đoạt nó hoàn toàn.

Thiên Chúa sẽ làm cho tâm hồn đó hiểu rõ rằng “Ngài sẽ yêu thương tâm hồn ấy hơn bất cứ ai yêu thương nó”. Ngài ăn mày con tim của nó và lôi kéo nó về với Ngài. Phúc cho tâm hồn nào biết mở cửa khi Ngài gõ.

Đó là trường hợp của Hélène. Lúc bấy giờ là giờ chầu bế mạc cuộc tỉnh tâm khi Hélène cảm nghiệm được lời mời gọi vĩ đại nầy của Chúa Giêsu. Kể từ lúc đó, Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa của Lề luật nữa, mà là Thiên Chúa Tình Yêu mà Hélène đã khám phá và Ngài đã lôi cuốn Hélène.

Chúa Giêsu như trở thành lời dụ dỗ cho Hélène, và tình yêu mà Hélène dành cho Ngài-sự đam mê lớn lao của đời Mẹ-được củng cố và dựa trên sự đồng thuận của ý chí. Và vì vậy mà tình yêu của Mẹ trở nên anh hùng như Ngài muốn nơi chúng ta vậy: Ngài muốn chúng ta yêu Ngài, không phải với một tình yêu nào đó, nhưng yêu Ngài với hết tâm hồn mình, với hết trí tuệ mình, với cả tâm hồn mình, với tất cả sức mạnh của mình, không chỉ qua loa, thỉnh thoảng, nhưng là yêu mến liên lỉ và không bao giờ ngưng nghỉ.

Kể từ ngày đó, chiếc xe của Mẹ trượt thẳng như trên hai đường rầy được Thiên Chúa lái. Đây là một giai đoạn lớn trong cuộc đời của Mẹ, vì được xem như vị Thầy (Rabboni) của tâm hồn Mẹ, và không do dự, sự dâng hiến trọn vẹn của Mẹ trào dâng. Không có điều gì mà Mẹ cảm thấy khó đối với lòng quảng đại của mình.

Từ nay, ân sủng sẽ tiến nhanh. Sau vài tuần, Mẹ cảm nghiệm được tiếng Chúa thỏ thẻ với Mẹ “Con phải đáp đền gì cho ta đây để ta chiếm đoạt con như vậy ?” Bởi khi Thiên Chúa ban cho ân sủng lôi cuốn một tâm hồn cách đặc biệt là để cho ta hiểu rằng ta phải hiến dâng. Nên khi Hélène cảm nghiệm được tiếng nội tâm nầy (không phải là thứ tiếng của thể xác), Hélène đã hiểu rõ, và đời sống tu trì đã hiện ra trước mắt Mẹ. Hélène phải dâng hiến cho Chúa Giêsu qua 3 lời khấn, qua đó Mẹ có thể tận hiến hoàn toàn, và ngang qua đời sống chung, môt loại hiến tế hằng ngày về bản chất và toàn diện con người cho Thiên Chúa.

Và ngay lập tức, Mẹ hứa với Chúa Giêsu sẽ hiến dâng đời mình trong đời sống tu trì. Đấng Si Tình, một lần nữa, lại thành công khi tự làm cho mình được loài thọ tạo nhỏ bé nầy ưng thuận, và như thế, cả hai điều vui sướng. Vào dòng nào đây ? Điều đó Mẹ không cần lo lắng ; Mẹ để cho vị hướng dẫn thiêng liêng của mình quyết định.

Thưa các chị, khi ân sủng gặp được một tâm hồn ngoan ngoãn mềm dẻo, thì ân sủng đó sẽ tiến rất nhanh. Chỉ trong vài tuần, từ đời sống tín hữu hơi tầm thường của Mẹ, chúng ta thấy Mẹ hoàn toàn có một đời sống theo Giao Ước mới, theo một con đường yêu thương và hiến trao trọn vẹn. Không còn là của lễ hy sinh của một con vật nào đó như trong Giao Ước củ, mà là của lễ hy sinh chính bản thân mà Thiên Chúa đòi hỏi và Mẹ vui sướng dâng hiến cách vô điều kiện, bởi Mẹ cảm nghiệm được rằng Chúa Giêsu xứng đáng với cái giá đó.

Kể từ đây và suốt cuộc đời Mẹ, Mẹ sẵn sàng bước theo tiếng gọi của Chúa Giêsu, được diễn tả qua đức vâng lời. Đức vâng lời nầy qua vị Giám mục là vị giải tội của Mẹ, sai Mẹ vào Dòng Clara như một Tiền Tâp sinh.

Mẹ cảm thấy được cả một niềm vui và một sự triển nở vĩ đại trong việc hiến dâng hồn xác cho Thiên Chúa, trong của lễ hy sinh hoàn toàn nầy, trong đơn sơ và vui tươi phan sinh mà Mẹ gặp được, không giả tạo bên ngoài, trong sự chân thành của con tim vươn thẳng tới đích, và tỏ ra như mình là mình, đồng thời cũng cố gắng sống thiện hảo tốt lành cách nghiêm túc.

Đối lại với sự ngoan ngoãn vâng phục nầy, Thiên Chúa đã làm cho Mẹ hiểu được ngay ơn gọi lớn lao và con đường đích thật của Mẹ. Ngài muốn Mẹ làm Hy lễ, Hy lễ của Chúa Giêsu chịu Đóng đinh cho Đức Giáo Hoàng và cho Giáo Hội. Mẹ biết được điều nầy cách chính xác qua một sự mạc khải. Tất cả những bằng chứng hùng hồn nầy… Suốt cuộc đời Mẹ đã minh chứng điều nầy và ngay chính Mẹ cũng như các vị giải tội của Mẹ cũng điều tin vào điều nầy… nếu không, vẫn sẽ là một sự bí nhiệm không hiểu nổi.

Theo Mẹ, lời mạc khải nầy là sự kiện duy nhất đặc biệt trong đời sống nội tâm của Mẹ. Mặc dù được nâng lên khá cao trong đời sống chiêm niệm, các vụ xuất thần và mạc khải huyền bí vẫn hoàn toàn vắng bóng trong ngày sống của Mẹ.

Loại trừ sự kiện đặc biệt nầy nơi nữ tỳ của Thiên Chúa, chúng ta cứ thử tiếp tục nói về sự chiếm đoạt đặc biệt nầy của ân sủng mà Thiên Chúa thường vui thích làm triển nở sau nầy nơi tâm hồn tín trung và ngoan ngoãn : sự kết hiệp ý thức của tình yêu, một sự kết hiệp đích thực và vững chắc, dù nhiều người tín hữu chúng ta không biết tận hưởng.

Sự kết hiệp nầy tiếp tục như một nốt căn bản của đời sống nội tâm nơi một tâm hồn thiện chí. Mẹ có đượcChúa Giêsu trong tâm hồn, Mẹ mang Vị Hôn Thê của mình với Mẹ; luôn luôn tỏ vẻ dễ thương, biết yêu thương, luôn luôn muốn sống cho Ngài và không bao giờ là gánh nặng cho người khác.

Thử tìm ra một người bạn hữu tương tự, chị em sẽ không tìm ra được một người như thế đâu. Điều nầy thật là thần linh.

Ý thức về báu vật trong mình, làm cho tâm hồn được quân bình và vững chắc. Người ta thường nói rằng một con thuyền phải chứa đựng một số tải trọng nào đó để đi trên biển, nếu không nó sẽ bị chao đảo bởi những đợt sóng ; trái lại nếu tàu bè có được độ dằn mong muốn thì tàu bè sẽ lướt sóng nhẹ nhàng.

Ở đây, Chúa Giêsu là cái tải trọng trong con tim với ý thức là mình đang mang Ngài trong tâm hồn. Điều nầy sẽ cho ta sự bình an cơ bản và triệt để, thỉnh thoảng có những khoẳnh khắc bừng sống niềm vui khi nghĩ đến Ngài, những hành vi thờ lạy và cảm kích, hoặc đôi khi cảm thấy yêu thương trìu mến đan xen lẫn nhau, với một sự thân mật lạ thường, như sách Gương Chúa Giêsu đã nói ; và tự đáy lòng, luôn luôn là một niềm xác tín thầm kín : “Tôi không còn gì để mơ ước nữa, không có một báu vật quý giá nào hơn báu vật mà hiện tôi đang có và mãi mãi, suốt đời, trong cuộc sống vĩnh hằng! Nước Chúa ở trong lòng ta; đó là niềm vui và sự an bình trong Thần Khí”. Đó là tâm hồn ý thức được, nhờ đức tin, về sự hiện diện đích thực của Thiên Chúa trong con tim của Mẹ qua ân sủng “Christum habitare per fidem in cordibus nostris” Và đó là đời sống nội tâm mà Marie de la Passion tương lai của chúng ta đang sống.

Nên lưu ý rằng Chúa Giêsu vẫn mời gọi nhiều kitô hữu sống mối tương quan thân mật này, đặc biệt đối với những người dâng hiến. Sớm muộn gì những tâm hồn đó sẽ có “cuộc Hiện Xuống của riêng mình”, hoặc một lời mời gọi đặc biệt, và nếu tâm hồn ấy sẵn sàng trong bàn tay của Chúa, thì chắc chắn sẽ được dẫn đến một đời sống nội tâm đích thực. Sách Gương Chúa Giêsu đầy dẫy giáo lý nầy. Sách nói “Chúa Giêsu không ngừng tâm sự với mọi người, nhưng chỉ có ít người lắng nghe Lời Ngài.” Và trong buổi Tiệc ly, Ngài có đề cập đến khi nói : “Ai ở trong Ta và Ta ở trong người ấy, người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái.”

b. Có một lâu đài thứ 2 trong sự kết hiệp, nhắm đến hoa quả, vẫn là hoa quả nội tâm và bên ngoài, theo thời giờ và cách thức mà Thiên Chúa đã định. Giai đoạn 2 nầy như xen kẻ lẫn nhau, nhưng vẫn là nền tảng của tất cả cấu trúc : đó là Chúa Giêsu, ở trong ta, yêu thương và giúp đỡ ta, dần dần giúp ta thấu hiểu Ngài ước mong ta có những hành động phù hợp với cuộc sống. Không chỉ là thực thi 10 điều răn Chúa, nhưng còn là thể hiện sự trung tín cách anh hùng với một sự tế nhị đòi hỏi trong những chi tiết nhỏ nhất khi phục vụ Ngài, và thể hiện ý muốn của Ngài bên ngoài cũng như bên trong.

Ngài muốn chúng ta hiểu rằng chúng ta cần phải làm việc với Ngài, cả hai, tay trong tay. Lúc bấy giờ, Chúa và ta không chỉ hưởng niềm vui có nhau mà thôi ; Ngài còn muốn hơn thế nữa : Ngài muốn những việc ta làm, trong các sinh hoạt của ta là kết quả của sự đối thoại giữa Ngài và ta. Do đó ta cần thể hiện sự trung tín tuyệt đối, là dấu chỉ và của nuôi sống tình yêu thương của ta với Vị Khách thần linh sống trong ta.

Bởi vì sinh hoạt đích thật, không xuất từ bên ngoài, thúc đẩy do những động cơ ngoại tại như một số sinh hoạt đòi hỏi, hay do bởi tính phù phiếm tìm chút vinh quang. Sinh hoạt đích thực theo Chúa xuất từ bên trong ; đó là chính Thiên Chúa mời gọi ta, qua các bề trên hay qua những tinh huống ; chính Thiên Chúa muốn xử dụng ta để thi hành một số hành động bên ngoài nhằm làm vinh danh Ngài và do đó Ngài có thể giúp dễ dãi công việc cho ta. Chúng ta cũng nên lưu ý rằng, ta không nhận thấy Chúa Giêsu với cái đầu cùng với lý luận vất vả đâu : ta tìm thấy Ngài đúng hơn qua ý chí và con tim cũng như qua hành động. Có nhiều linh hồn vất vả lo tìm Ngài hay luống công mệt nhọc với cái đầu để tìm Ngài cách vô bổ. Chúng ta đừng lo : khi Thiên Chúa muốn trao ban, Ngài có muôn vàn cách thức để làm. Hãy tìm kiếm Ngài qua ý chí với một đức tin sống động qua những lời răn dạy của Ngài và qua những hành vi đứng đắn : như vậy chắc chắn, chị em sẽ gặp gỡ Ngài “Ai tìm Chúa Giêsu trong mọi sự, chắc chắn sẽ gặp được Ngài”[1]

Trong cấp bậc thứ hai nầy- phần triển nở của cấp một- linh hồn đó vội vã làm tất cả những gì Chúa ước mong linh hồn đó làm. Linh hồn đó hành động, hạnh phúc được làm việc cùng với Ngài, khao khát làm những điều Chúa muốn, và nhận thấy rõ ràng đó là phương tiện và cách thức làm vui lòng Thầy chí thánh. Hơn nữa, linh hồn đó hiểu rằng lao động là luật của Thiên Chúa, được trao cho Tổ tiên, trước tiên do tự bản chất, sau là do hình phạt của tội lỗi.

Cũng xin được nhắc lại ở đây rằng không nên bao giờ đối chọi đời sống kết hiệp với đời sống hoạt động, như đức vâng lời đã mong muốn. Cả hai không đối chọi chút nào mà trái lại rất liên kết với nhau. Do đó không bao giờ nên nói rằng : “bây giờ lạy Chúa, xin Chúa ngồi chờ đó : con đi làm việc cho Chúa đây.” Không. Không đúng như vậy. Có thể nói : “Xin Chúa hãy ở gần con” như các môn đệ Emmau đã nói, ngay cả khi ta làm việc. Chị em biết không; từ trước tôi vẫn thường khâm phục sự trật tự, tinh thần kỷ luật và lòng hăng say của chị em trong công việc, cũng như qua những giờ phụng vụ rất sốt sắng và thanh tao, với những bài hát rất hay, hay vì tính cộng đồng bởi không có một giọng nào trổi vượt hay riêng rẽ hay muốn khẳng định, mà tất cả đều hoà hợp và đó là một biểu tượng đẹp về sự hiệp nhất giữa chúng ta và với Chúa Giêsu, với những đoạn văn rất cảm động như Jesu Tibi vivo, Jesu Tibi morior “Ôi Giêsu, vì Chúa mà con sống, vì Chúa mà con chết”, hoặc Xin Chúa hãy ở lại nhà con. Và Chúa trả lời “và con hãy ở lại nhà Ta”. Chính Thánh Augustino đã nói câu nầy: “Con đã tìm Ngài ở bên ngoài, ôi lạy Chúa…mà Ngài thì ở trong con. Không phải Ngài vắng bóng trong con, nhưng chính con đây đã vắng mặt cùng Ngài”

Trong chiều hướng đó, chúng ta hãy làm việc cùng với Chúa Giêsu, dưới sự hướng dẫn nội tâm của Ngài, đó là tự hiến mình cho Ngài trong niềm vui, liên kết với Ngài liên lỉ ; làm những gì Ngài mong muốn và kết hợp với Ngài qua hành động. Và sự kết hợp như vậy là sâu sắc nhất, đích thật nhất, chân chính nhất hơn là lời nói hay cảm xúc. Điều khích lệ nhất trong đời sống mật thiết không phải ta được niềm vui cho bằng là biết được nhờ đó ta có thể trao tặng niềm vui cho Thầy của ta, Đấng đã tạo dựng nên ta để Ngài được yêu ta. Chúa gặp những tâm hồn trung tín quá ít ỏi, hợp với ý hướng thần linh của Ngài, có khả năng yêu thương Ngài, hành động cùng với Ngài và cho Ngài, chứ không phải chỉ yêu thương tha nhân hay yêu thương chính mình mà thôi. Vậy hỡi chị em, là những người Chúa đã tuyển chọn cách đặc biệt, hãy biết và đừng quên rằng Thiên Chúa sống với chị em, không chỉ cùng dưới một mái nhà, nhưng ngay trong nhà tạm của tâm hồn chị em. Chúng ta biết rằng sống không chỉ là hiện diện mà còn là yêu mến, là trò chuyện với nhau, là hành động, là hiến dâng…

Và đây là bậc thứ hai mà Mẹ của chị em đã thực hành suốt cả đời người : sự kết hiệp trong lao động, lao động được hướng dẫn và linh hứng nhờ sự kết hợp : lao động bên ngoài và lao động bên trong. Thiên Chúa đã cung cấp cho người một khối công viêc thật vượt sức con người, lượng cũng như phẩm với một sức sống hành động phải khâm phục. Hãy nghĩ đến 84 nhà được thành lập, trên khắp thế giới, với tất cả những gian nan khó khăn mà việc thành lập nầy gây ra. Hãy nghĩ đến 30 pho sách với 4 loại bản văn sách thiêng liêng : từ khía cạnh luật pháp của Hội Dòng đến thể loại thư từ đủ cở và cho đủ hạng người. Cũng hãy nghĩ đến những mệt nhọc và lo âu đương nhiên của vấn đề quản lý hành chánh, rất chi tiết và rất tập trung của hàng ngàn chị em với những công trình đủ loại. Và giữa các công trình đó, Mẹ đã biết tự chủ biết bao đến nỗi Mẹ không hề sao lãng với những trách vụ khác, bởi Mẹ là một con người không tách lìa với Thiên Chúa. Công việc, các công trình hiểu theo nghĩa đó, thay vì làm xáo trộn sự kết hiệp của Mẹ, trái lại, làm cho sự kết hiệp đó càng sâu đậm hơn. Mẹ cảm nghiệm được rằng nếu tình cảm và lời nói của ta làm hài lòng Chúa Giêsu, thì các hành vi cử chỉ thuận với ý hướng và ước mong của Ngài thì càng làm cho Ngài vui lòng biết bao.

Mẹ hiểu rõ rằng công việc phải làm cho Chúa Giêsu và với Chúa Giêsu, công việc được giao phó do hoàn cảnh, do đức vâng lời hay do khái niệm đúng đắn như hiểu rằng ta phải bỏ tay vào việc, là một điều phải lẽ, chẳng hạn như sạch sẽ, lễ phép hoặc giúp đỡ một người đang cần đến mình. Thiên Chúa yêu thích sự trật tự trong mọi sự việc, tất cả những gì đi xa sự trật tự đều làm cho Ngài không vui thích. Có cả ngàn cách thức để ta làm việc và nên hữu ích cho người khác, để ra khỏi ta hầu trở thành hữu ích cho nhiều người, ngay cả khi ta phải hy sinh những sở thích riêng tư : nếu chúng ta mền dẻo với ân sủng Chúa ban, ân sủng sẽ giúp cho ta mỗi ngày mỗi quan tâm đến tất cả những gì liên quan đến công việc làm với Chúa Giêsu, cho Người và vì Người và cho tha nhân.

Người tôi tớ của Thiên Chúa, trong những điểm nầy, đã là một gương mẫu tuyệt vời cho chúng ta. Chúng ta hãy nói mẹ : “Ôi hỡi Vị Sáng Lập thánh thiện, xin hãy làm cho con thuộc trọn về Chúa Giêsu, không chỉ qua sự yêu thương với con tim, nhưng còn biết mền dẻo để làm việc với Ngài và cho Ngài. Xin Thiên Chúa dạy vẽ cho chúng con biết vượt lên trên công việc, biết làm chủ nó, biết bay bổng mà cũng biết thi hành công việc đó cách tốt đẹp nhất với tất cả sự cẩn trọng của con vì làm cho Ngài

c. Với 2 bậc kết hiệp trong tình yêu và lao động, bậc thứ ba nầy hoàn tất ý nghĩa : tình yêu kết hiệp với Chúa Giêsu trong đau khổ.

Chúng ta đề cập đến ơn gọi vĩ đại của Vị Sáng Lập của chị em : ơn gọi làm Hy lễ cho Giáo Hội và cho các linh hồn.

Thiên Chúa, sau khi đã thu hút Mẹ với tình yêu của Ngài, Ngài lôi kéo Mẹ hoạt động với Ngài và cho Ngài. Nhưng Mẹ còn một cấp thứ 3 cần phải vượt qua : đời sống kết hiệp trong đau khổ, liên lỉ, bên ngoài cũng như bên trong. “Con có muốn làm hy lễ đóng đinh cho Đức Thánh Cha không ?” Mẹ đã chấp nhận và Thiên Chúa đã thể hiện như Mẹ muốn.

Thật không thể diễn tả nổi điều mà Mẹ đã chịu. Phải đọc những lời tâm sự của Mẹ viết cho các vị hướng dẫn, vì vâng lời, chúng ta mới có thể mường tượng được đôi chút. Nhưng Thiên Chúa đã cho Mẹ có được sức mạnh, trong những đau khổ ; ý chí của Mẹ luôn luôn chân thành kết hiệp với ý muốn của Thiên Chúa. Lương tâm của Mẹ quá tế nhị, đôi khi còn bối rối nữa, luôn cảm nghiệm được những bất trung nhỏ bé nhất. Điều Mẹ nghĩ là không tốt, Mẹ liền tránh xa nó. Ý chí mạnh mẻ và liên lỉ của Mẹ, bởi được đâm rễ sâu trong tình yêu, theo cách nói của Thánh Phaolô, làm cho Mẹ luôn sống dưới ách của đau khổ. Mẹ kềm chế bản lãnh mãnh liệt và tự hào của mình nhờ ý chí muốn làm vui lòng Chúa Giêsu, đó là đam mê lớn của đời Mẹ.

Ngay cả sau khi Mẹ thắng trận, khi Đức Thánh Cha Lêô XIII đã chính thức phục hồi danh dự Mẹ vào năm 1884, và làm cho những người vu khống Mẹ bị thất bại, tất cả những đau khổ nội tâm của Mẹ vẫn tiếp tục trong mọi lãnh vực. Chỉ cần một biến cố hay một người nào đó có thể làm hại đến Thiên Chúa hay các linh hồn, thì Mẹ không ăn ngủ gì được nữa ; Mẹ cảm thấy rất thiết thân với việc cầu nguyện, nài van, đau khổ. Là một tâm hồn kháo khát, dường như Thiên Chúa muốn khuyến khích lòng nhiệt thành của mẹ đến cao độ, đồng thời cho Mẹ cảm nghiệm được tất cả sự bất lực của mình để thực hiện điều mình muốn. Và như vậy Mẹ lại chứng tỏ một lần nữa sự nhẫn nhục và phó thác của mình. Đôi lúc, giữa những thử thách lo âu nội tâm, một nguồn ánh sáng đặc biệt làm cho Mẹ cảm nghiệm được cách sống động hơn ý hướng của Thiên Chúa, rằng Ngài là Kho Báu quý giá của Mẹ, sống trong lòng Mẹ và vẫn tín trung với Mẹ. Và bỗng chốc Mẹ cảm thấy được an ủi và dâng lời tạ ơn Chúa. Song trong chốc lát, lại một lần nữa, cuộc đấu tranh với đau khổ lớn lao nầy lại bắt đầu trong Mẹ. Bởi Mẹ không bao giờ chấp nhận được ý tưởng rằng Thiên Chúa bị người ta có thể quên lãng và các linh hồn bị sa đoạ. Những tư tưởng nầy luôn làm Mẹ đau lòng.

Người ta thường nêu lên sự giằng co của một triết gia Hy lạp, Socrate, là một người không có đạo nhưng thật đáng khâm phục. Ông nói : “Trong các đau khổ của phận người, không bao giờ nên lùi bước bỏ cuộc, hay quá chu tâm lo lắng hoặc thất vọng, bởi, một là những đau khổ đó quá sức chịu đựng, và như vậy sẽ không kéo dài, bởi những gì quá hung hăng mạnh bạo sẽ không tồn tại, hoặc nó sẽ chết ; hoặc nó sẽ hết ; những khổ đau đó không qúa sức chịu đựng, vậy phải chịu đựng nó cách kiên tâm.” Đó là lý luận của một triết gia ngoại giáo nhằm đỡ nâng những người đang đau khổ.

Lý luận nầy có thể nghèo nàn đối với chúng ta. Là người công giáo, chúng ta biết đạo dạy ta rằng sự đau khổ xuất phát từ Thiên Chúa và nó giúp ta đền bù tội lỗi ; những tâm hồn nội tâm thì biết rằng, khi tham gia với những đau khổ của Chúa Giêsu, thì đau khổ đó bổ túc điều còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Ngài ban cho ta vinh dự được chịu đau khổ với Ngài với mục đích lớn lao mà Ngài đã có khi chịu đau khổ nghĩa là làm vinh dự cho Chúa ; đền bù tội lỗi để cứu vớt các linh hồn. Lý do thật yên ủi cho một tâm hồn với niềm tin sống động, hữu hiệu và cơ bản hơn là lập luận trên của Socrate.

Với Mẹ của chị em, đau khổ thái quá nầy của Mẹ dường như liên tục trong suốt cuộc đời của Mẹ. Hình như chỉ tạm ngưng vài giờ trong đêm khuya để sớm mai lại bắt đầu… Câu chuyện của Mẹ sẽ làm đau nhói lòng người nếu chúng ta không biết rằng Thiên Chúa, trong tình yêu của Ngài đối với các linh hồn và đối với chị em nữa, để trao ban cho chị em có một người nâng đỡ và hướng dẫn chị em trong lời cầu nguyện và gương tốt, đã phải sắp đặt như vậy… Nếu không thì ta sẽ thương hại biết bao cho con người đã bị đau khổ như vậy, bị hiểu lầm, giữa những người chị em đã không hề hay biết hay cảm thông gì. Bởi trong lúc chịu khổ hình như vậy, Mẹ vẫn tỏ ra tốt lành với tất cả, hoà đồng với mọi người. Mẹ giữ kỹ bí mật cho riêng mình và cho cha giải tội mà thôi, và mọi người nghĩ rằng giữa những thành công, Mẹ rất hạnh phúc, mà trong lòng thì luôn nằm trên thập giá. Mẹ nói : “Đây là một điều kỳ lạ trong đời tôi : những thử thách lớn lao nhất của tôi sẽ luôn ở trong tôi, vì chúng chỉ được thấy và cảm thông bởi một mình Thiên Chúa và tôi mà thôi”.

Thiên Chúa của chúng ta đã bị treo trên Thập giá suốt 3 giờ, và đây là một trong những đoạn cảm động nhất của cuộc Khổ nạn của Người : Chúa Giêsu chịu treo trên Thập giá mà không thể nào tự giúp đỡ mình được, cũng không hề giúp đỡ được ai, 3 giờ như vậy trong cuộc hấp hối nầy, trong biển khổ liên tục. Nhưng ta biết ngay từ đầu đời Nhập thể của Ngài, Chúa Giêsu vẫn thấy trước những khổ đau của cuộc Khổ nạn nầy với những nguyên do gây nên nó. Mẹ của chị em cũng vậy, Mẹ đã bị treo trên thập giá suốt cả đời mình. Chỉ có một niềm an ủi sâu thẳm trong lòng Mẹ là đức tin sống động của mình đối với Thiên Chúa và ân ban của Ngài giúp Mẹ chịu đựng được.

Thiên Chúa đã không muốn Mẹ chịu đựng cuộc đóng đinh nầy mà không hỏi ý kiến của Mẹ trước : “Con có muốn chịu đóng đinh thay cho Đức Thánh Cha không ?” Và Mẹ đã trà lời : “Vâng, con muốn.”

Xin chị em đừng sợ : Thiên Chúa không xin điều nầy với bất cứ ai đâu. Như tôi đã nói với chị em : với chúng ta, Thiên Chúa chỉ dành cho những thập giá nhỏ bé của Bêlem, của Ai Cập, và của Nadareth mà thôi, với Thánh Giuse. Đối với Mẹ Sáng Lập, Ngài dành để cho Thập giá của Núi Calvê, như Ngài đã dành cho Chúa Giêsu, người anh cả của chúng ta, như Mẹ dịu hiền của chúng ta là Mẹ Maria, như với các linh hồn đầy yêu thương như Madelena và Gioan, như với Cha Thánh của chúng ta và như với nhiều linh hồn khác có vai trò quan trong trong Gíao Hội. Với chúng ta, Ngài đã hài lòng rồi khi chúng ta muốn hiến dâng mình cho Ngài trong âm thầm và quên lãng, khi chúng ta vui lòng vác thánh giá nhỏ bé của lao động và của khổ đau hằng ngày, những trái ý hay thất vọng của cuộc đời ta, những khó chịu hay bệnh hoạn hay những bực bội thực sự mà cuộc sống hằng ngày đem đến cho chúng ta. Lúc bấy giờ chúng ta hãy ưng thuận với Chúa trong những dịp như vậy. Và hãy xác tín rằng chính Chúa Giêsu đang mời gọi ta chịu đau khổ với Ngài. Và hãy có được niềm vui hay ít là sự bình an nhờ tín thác vào Chúa.

Đối với mọi người trên trần thế nầy, Thiên Chúa, trong sự nhân hậu của Ngài dường như đã chuẩn bị cho họ một số khó chịu bực bội. Ngài làm vậy để con người tập sống trong thực tế và chân lý, để giúp cho họ biết chế ngự tính kiêu căng và những đam mê của mình cũng như để giúp họ biết đền bù tội lỗi mình. Sự đau khổ là thiên thần của Thiên Chúa. Bởi phương tiện hữu hiệu nhất để đi đến sự thánh thiện là biết chấp nhận và yêu thương mang thập giá hằng ngày như Chúa Giêsu. “Ai muốn theo ta, hãy bỏ mình và vác thập giá mỗi ngày”, đó là bí quyết của sự kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu.

Theo Cha Faber, cản trở lớn nhất cho sự thánh thiện đó là xử dụng không tốt những thập giá nhỏ bé, vì như vậy là ta tự tạo vấn đề với Thiên Chúa bởi ta chống lại Ngài. Trong đau khổ, nếu ta muốn khôn ngoan, ta sẽ chọn lựa quan điểm của các thánh, là những người biết yêu mến và ước mong vác thập giá.

Bởi đau khổ không phải là một bất hạnh, nhưng là một hạnh phúc. Chúng ta sẽ hiểu được điều đó nếu chúng ta logic với chính những nguyên tắc của niềm tin và của đời sống nội tâm của ta, đời sống mà Chúa Giêsu đã chỉ dạy cho ta trong buổi Tiệc Ly. Các thánh thường nói rằng có những ân sủng mà chỉ được trao ban qua thập giá, với mức độ sâu thẳm của sự mật thiết với Ngài với những ân ban mà Ngài dành cho những kẻ đau khổ với Ngài và cho Ngài. Sự thánh thiện của Mẹ các chị được tiếp nối bởi những thập giá lớn lao, trong cũng như ngoài mà Thiên Chúa dành cho Mẹ. Thập giá bên ngoài : một sức khoẻ không tốt, bệnh hoạn, các công trình với những mệt nhọc của nó, những chống đối nữa, những giải thích ác ý, ngay cả những lời vu khống. Đúng vậy, Thiên Chúa đã cho phép những điều đó đến với những vị thánh lớn trong Gíao Hội của Ngài, ngay cả cho phép những lời vu khống công khai với nội dung nghiêm trọng, lời vu khống làm mất đi uy tín tốt lành và làm nhục mạ con người… Đôi khi Ngài cũng cho phép có những người ngay lành vẫn mù quáng để đóng đinh những người Ngài tuyển chọn mà ta có thể nói rằng họ không có tội tình gì. Cũng như Thánh Bernarđô, vì bị thông tin sai mà đã truất phế thánh Guillaume là người vô tội. Còn Mẹ của chị em, trong suốt 8 năm trời, vị Sáng Lập thánh của chị em, cùng với một số chị em khác, bị vu khống, và còn đớn đau hơn nữa, sự vu khống đó dường như còn làm cản trở và vô hiệu hoá các sinh hoạt truyền giáo nữa. Loại vu khống trắng trợn nầy là một trong những cách thức tinh luyện nhạy nhất đối với những tâm hồn được mời gọi nên thánh đích thật.

Nhưng còn hơn thế : còn có một nấc cao hơn trong sự sỉ nhục. Đó là lúc không những họ bị mất uy tín nơi chị em và người khác mà còn nơi các vị Bề trên và quyền bính tu trì, là thay mặt Thiên Chúa, nhìn nhận chính họ có tội. Mọi nâng đỡ từ con người và bên ngoài không còn gì nữa ; chỉ còn lại với họ chứng từ của lương tâm và xác tín nội tâm rằng mình vẫn được Thiên Chúa yêu thương và được công chính trước mặt Ngài.

Còn lại một hy sinh cuối cùng mà Thiên Chúa muốn xin. Sau khi bị người khác và Thiên Chúa bỏ rơi, thì chính Thiên Chúa dường như cũng bỏ rơi mình. Ngài cho phép những người đó nghĩ rằng Ngài không bằng lòng về họ ; rằng Ngài tránh xa và xua đuổi họ, rằng họ sẽ bị đày đoạ muôn đời. Đây là một thử thách kinh khủng nhất. Thánh Phanxicô Thành Sales, khi còn là sinh viên Đại Học Bologne, đã có cám dỗ nầy, nghĩ rằng Thiên Chúa xua đuổi thánh nhân, rằng không hề có thiên đàng hay khả năng yêu mến Thiên Chúa của thánh nhân ; nói cách khác thánh nhân như bị Chúa trù dập. Trong đau khổ tột cùng nầy, thánh nhân gầy ốm hẳn. Sau 6 tháng bị thử thách kiểu nầy, ngài chỉ còn là bộ xương. Một ngày kia, vào một Nhà Thờ, thánh nhân tự hiến dâng mình cho Đức Mẹ, nói rằng nếu thánh nhân không được ban cho ơn được yêu thương Thiên Chúa đời sau, thì ít ra thánh nhân cũng muốn yêu Chúa trên trần gian với cả tâm hồn. Đó là một hành vi anh dũng đối với thánh nhân. Và ngay tức khắc, cơn cám dổ biến mất khỏi lòng người và cuộc sống thân mật hạnh phúc với Chúa bắt đầu lại với thánh nhân.

Vị sáng lập của chị cũng vậy, người đã uống đến cạn chén đắng nầy, đến nỗi có đôi lần người thét lên với Chúa Giêsu chịu đóng đinh : “Lạy Chua ! Lạy Chúa, tại sao Chúa nỡ bỏ con ?”

Chúa Giêsu là Thiên Chúa toàn năng, tạo dựng nên trời đất và cai quản muôn loài, Đấng đã muốn tự hạ đến sống với chúng ta, đến nỗi lấy làm vui sướng và hoan hỉ sống với con cái loài người, Ngài tự tạo ra những phương thế mạnh mẽ đó để giúp ta chết đi cho chính mình, và làm cho ta cộng tác với Ngài qua hành động, qua việc làm, hầu mưu ích cho các linh hồn mà chính Ngài đã tự hiến chính mình. Xin tạ ơn Ngài mãi mãi đã dùng những kế hoạch kỳ diệu đầy yêu thương cho chúng ta.


[1] Xem Sách Gương Chúa Giêsu.

(Còn tiếp)