Mẹ Marie de la Passion: Sứ Mạng Truyền Giáo Và Những Nguy Hiểm Của Nó

“Về sứ mạng truyền giáo và những nguy hiểm của nó, mẹ Marie de la Passion muốn chúng ta có thái độ sẵn sàng và mạnh mẽ trong đức tin, nghĩa là sẵn sàng rời bỏ tất cả và đi đến bất cứ nơi nào chúng ta được sai đến.” (HP 40)

Vào ngày lễ Chúa Hiển Linh, 06 tháng Giêng năm 1877, cha Rousseille, người đại diện của Hội Thừa Sai Paris tại Rôma đã gởi điện tín cho Đức Cha Bardou –với sự chấp thuận của Bộ Truyền Bá Đức Tin– câu trả lời của Đức Thánh Cha Piô IX. Đức Thánh Cha đã ủy quyền cho vị đại diện tông tòa tại Coimbatore thành lập trong giáo phận của ngài Hội dòng Thừa Sai Đức Maria, được thánh hiến cách riêng cho công cuộc truyền giáo, và Đức Hồng Y Franchi, Tổng trưởng Bộ Truyền Bá Đức Tin đã khuyến khích các nữ tu tìm nhà cho tập viện tại Pháp.

Vào ngày 06 tháng Giêng năm 1902, Mẹ Marie de la Passion viết: “Đức Thánh Cha Piô IX đã đặt tay của ngài lên đầu tôi, và ngài đã không làm điều này cho ai khác ở đó... Chính ngài đã chính thức phê duyệt mục đích, tên gọi và tu phục của chúng ta vào ngày lễ Hiển Linh năm 1877, yêu cầu tôi viết Hiến Pháp diễn tả cách rõ ràng các sứ vụ truyền giáo.” “Chúng ta hãy vui mừng vì Hội dòng chúng ta được sinh ra trong ngày Lễ Hiển Linh. Chúng ta hãy chúc tụng cha thánh Phanxicô, người đã ban cho chúng ta, trong cùng một ngày, qua người kế vị Ngài, lời hứa được luôn luôn núp dưới áo choàng của Ngài....”

Cuộc chiến của Mẹ Marie de la Passion sẽ có một lãnh vực hành động cụ thể: hoạt động truyền giáo. Mười một năm truyền giáo tại Ấn Độ đã chuẩn bị Mẹ. Ngang qua những thiếu sót, định kiến, Mẹ đã dự phần vào dòng chảy vĩ đại, để từng chút một chuẩn bị cho công cuộc truyền giáo trong thế kỉ 20. Sự tôn trọng của Mẹ đối với con người, ân ban của Mẹ trong các mối tương quan nhân loại đã mang lại cho Mẹ lòng kính mến của mọi người. Sự tôn trọng này là lí do để Mẹ kiên trì học ngôn ngữ địa phương và vì sự quan tâm của Mẹ trong việc đào tạo ơn gọi bản địa.

Với Mẹ Marie de la Passion, sứ vụ truyền giáo không nhất thiết là vấn đề về sự dịch chuyển địa lý. Đó là việc “sai đi bởi Giáo Hội”, vì vậy, trên hết, đó là sự sẵn sàng hoàn toàn: “Một tông đồ thật sự không liên quan gì đến nơi chốn”, vai trò của truyền giáo không phải tạo ra nhiều công việc nhưng là để mang Chúa Kitô.

Truyền giáo vì thế là một thực tế phổ quát: “Cả thế giới thuộc về chúng ta”, Mẹ đã khẳng định cách táo bạo, và đó cũng là nguyên tắc đảm bảo cho tính phổ quát, mà nhà Rôma là một dấu chỉ, Mẹ sẽ giúp cho các sáng kiến truyền giáo khác định hướng cho một tương lai phong phú, như của Thánh Phêrô tông đồ. Mẹ hướng về những nơi xa xôi, không dừng lại ở kết quả từng phần nhưng quay ngược lại nguyên nhân. Vì vậy, Mẹ khám phá ra sự cực kì nghèo khó của công việc trong sự nguy hiểm và khó khăn để có lương thực hằng ngày. Mẹ đáp ứng điều này qua việc đào tạo nghề nghiệp chuyên môn và luân lý cho các phụ nữ. Mẹ đã thành lập các xưởng làm việc không chỉ để kiếm thu nhập cho Hội dòng nhưng còn là để chống lại sự khốn khổ và việc bóc lột phụ nữ thuộc tầng lớp thấp. Mẹ dạy họ công việc nghệ thuật nhằm mang lại cho họ thu nhập và phù hợp với thiên chức của người phụ nữ.

Mẹ Marie de la Passion là người phụ nữ thuộc thời của mẹ nhưng không bị giới hạn trong thời đại đó. Mẹ đã đi trước, xác tín rằng Thiên Chúa đã gầy dựng nên Hội dòng “vì những mục đích, dù đã rất rộng lớn, mà chúng ta vẫn chưa hoàn toàn biết được.” Mẹ đã coi trọng hơn hết sự sẵn sàng của mỗi một chị em, và khi Mẹ xin chị em chăm sóc bệnh nhân phong, hơn một trăm chị em tình nguyện....

Mẹ Marie de la Passion nhận ra nhu cầu thật lớn của việc đào tạo về sứ mạng truyền giáo cho chị em. Việc đào tạo đời sống cầu nguyện, đời sống thiêng liêng, sự sẵn sàng, những thực tế của cuộc sống, tinh thần hèn mọn và đơn sơ Phan Sinh. Với sách Tập Tục, Mẹ cho chị em biết tinh thần nằm sau các dịch vụ, bổn phận và công việc. Với những cuộc tĩnh tâm, Mẹ trao tặng ý nghĩa cho đời sống thiêng liêng. Với những lá thư luân lưu Mẹ viết hằng ngày, Mẹ phân phát lời khuyên dạy, thông tin, hướng dẫn, những đề nghị và tất cả tình thương mến của một người mẹ.

“Chúng ta nên sẵn sàng để có thể đáp lời, dù ngay cả lúc nửa đêm “đi đến nơi này” hoặc “đi đến nơi kia”, và chúng ta luôn sẵn sàng chỗi dậy lên đường, không mang theo thứ gì và cũng không nói lời tạm biệt ai... chúng ta phải dâng cho Chúa mọi thứ, mọi sự”, Mẹ đã nói điều này trong tuần Tam nhật về đức Nghèo Khó Phan Sinh tại Rôma khi Mẹ chuẩn bị cho cộng đoàn này gia nhập Dòng Ba Phan Sinh vào ngày 8 tháng 12 năm 1882.

Khi Mẹ Marie de la Passion được gọi về với Chúa ngày 15 tháng 11 năm 1904, Hội Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã có 2.060 chị em trong 86 nhà và 8 Tỉnh dòng, phục vụ tại 23 quốc gia.

Trích từ sách “Sứ mạng truyền giáo và những nguy hiểm của nó”.