Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ tại Hàn Quốc 1958-2008

Trước khi Chúa mời gọi FMM đến Hàn Quốc, các chị em người Hàn Quốc đã được huấn luyện ở Nhật Bản, để chờ đợi đúng thời điểm. Từ 1933 đến 1944, mười ba chị em Hàn Quốc đã đến Nhật Bản và gia nhập Dòng. Tất cả chị em FMM phải chịu đựng cùng nhau suốt thời chiến tranh Trung Quốc-Nhật Bản. Vào tháng 6/1958, sáu chị Hàn Quốc và bốn chị khác đã thành lập cộng đoàn FMM đầu tiên của Hàn Quốc tại Chokki.

THƯA VÂNG! CÁCH VUI TƯƠI!

Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ tại Hàn Quốc 1958-2008

Cuộc sống tại huyện Chokki ở Pusan

"Chúng tôi đã nhìn thấy khung cảnh tuyệt đẹp của khu vực cảng, nhìn xuống từ ngôi nhà gạch nhỏ của chúng tôi. Tuy nhiên, chỉ vài bước đi bộ từ nhà là toàn bộ khu vực của những nơi có nhiều người tị nạn từ Bắc Triều Tiên sinh sống. Trước khi chiến tranh bắt đầu vào năm 1950, dân số của Pusan ​​là 400.000; hiện nay đã lên hơn một triệu. Hầu hết những người này sống trong cảnh khốn khổ... Trong số các vấn đề lớn của những người sống trên ngọn đồi này là thiếu nước. Những người láng giềng của chúng tôi phải đi xuống vùng có nước với những cái thùng để mua nước.

Vào giữa trưa ngày nọ có một trận mưa lớn. Mọi người vui mừng. Đó là vì trời đã cho họ nước miễn phí để đổ đầy các thùng của họ. Các cộng đoàn Kitô hữu Pusan ​​biểu lộ cho chúng tôi thấy một tình yêu không thể mô tả được. Bắt đầu với Giám mục, các linh mục Hàn Quốc, tuyên úy quân đội Hoa Kỳ, tất cả các cộng đoàn tu sĩ ở Pusan – mọi người đã đến, đem cho chúng tôi một cái gì đó; ngay cả Hội Chữ thập đỏ Đức và các quân nhân Hoa Kỳ cũng cho chúng tôi thấy sự tử tế như thế".

Tập viện được mở vào ngày 25 tháng 3 năm 1962 với bốn Tiền tập sinh và Sr M. Columba Thánh Thể (người Mỹ) là Giáo tập. Từ năm 1962 đến năm 1971, 34 chị em Hàn Quốc gia nhập và 17 chị đã Tuyên khấn lần đầu.

Vào ngày 25 tháng 9 năm 1972, Hàn Quốc trở thành một phụ tỉnh, tách khỏi Nhật Bản, và vào tháng 9 năm 1978, Hàn Quốc trở thành một tỉnh dòng của Hội Dòng với Sr Marianna Lee Young Joo làm Giám Tỉnh.

Việc đào tạo cho sứ vụ tông đồ

Năm 1971, nhắm đến các hoạt động tông đồ trong tương lai, việc đào tạo để có những nhân sự cần thiết được coi là một vấn đề cấp bách, và vì vậy các kế hoạch đã được thực hiện cho việc nghiên cứu để đào tạo giáo lý viên, giáo viên, y tá, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, kỹ thuật viên x-ray và thậm chí một chị em để chuẩn bị giải quyết các vấn đề hành chính với chính phủ (điều đề cập cuối cùng này đã phải dành nhiều thời gian hơn).

Năm 1973, các chị em làm việc trong các lãnh vực giảng dạy, điều dưỡng và giáo lý, đã tổ chức các cuộc họp theo các hoạt động tông đồ của các chị.

Khi chúng ta đọc tiếp, chúng ta hãy để ý đến các yếu tố sau đây của Đoàn sủng FMM: một Tỉnh Dòng trẻ thiết lập việc đào tạo thường xuyên; hợp tác với các linh mục và giám mục; đáp ứng nhu cầu đang nảy sinh trong xã hội; đi tiên phong trong việc chăm sóc sức khoẻ bao gồm giáo dục sức khoẻ; tái phân bổ nguồn lực khi các nhu cầu thay đổi; sử dụng các kỹ năng và kinh nghiệm thu thập từ sứ vụ trước đây; tiếp cận các khu vực xa xôi hẻo lánh; hỗ trợ các giá trị văn hoá và giới thiệu các giá trị Ki-tô giáo; làm việc cùng với người dân thay vì làm chủ và nắm thẩm quyền.

Ngoài ra, việc đào tạo thiêng liêng cho một Tỉnh Dòng đang phát triển bao gồm chuyển ngữ các văn bản sang tiếng Hàn, cũng như có sự cộng tác với Giáo hội địa phương.

Các ghi nhận sau đây mô tả nhiều cơ sở mới trong thập niên 1970:

St Francis Dispensary, Jeongseon (tháng 5/1976)

Vào đầu năm 1975, cha Robert Brennan, một linh mục Columban, cha sở của giáo xứ Jeongseon, Kangwondo, đã mời chị em FMM, những người mà ngài chưa bao giờ gặp, để xem xét thực tế trong giáo xứ của ngài. Ngài đề nghị chị em thành lập một cộng đoàn để làm công tác truyền giáo và mục vụ giáo xứ cũng như điều hành một trạm xá cho bệnh nhân nghèo không có phương tiện điều trị. Tháng 5, các chị em Michaela Garriz, Agnes Kim Chun Ja và Anne Marie Cunin đã đến thăm Jeong Seon. Mặc dù không có đất hoặc công trình xây dựng và giáo xứ không thể cung cấp được những thứ này, nhưng các chị đều cảm thấy đây là nơi các chị phải làm việc. Vì vậy các chị quyết định bán một phần đất Seoul và nhờ đó xây dựng tu viện và bệnh xá cần có.

Các chị đã mua mảnh đất (500 pyong) gần nhà thờ, và vào tháng 7 năm 1975, việc xây dựng bắt đầu. Sr. Micaela Garriz và Agnes Kim giám sát công trình xây dựng, trong lúc ở nhờ trong nhà của Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ. Vào giữa tháng 3 năm 1976, công trình xây dựng đã được hoàn thành và trang thiết bị của trạm xá St Mary ở Pusan ​​đã được gửi đến. Do đó, ngày 1 tháng 5, lễ Khánh thành diễn ra, với Đức Giám mục Daniel Ji Hak Soon chủ tế. Đây là một khu vực chưa bao giờ nhìn thấy các thiết bị y tế, vì vậy vào ngày 3 tháng 5, ngày khai mạc chính thức, nhiều bệnh nhân đã tụ họp đến. Qua việc giúp điều trị y tế, Tin Mừng đã được truyền bá.

Bắt đầu từ tháng 5 năm 1979, do khó khăn trong việc đi lại, và để đáp lại lời kêu cứu của bệnh nhân từ các điểm truyền giáo nghèo hơn, các chị bắt đầu điều tra các vấn đề sức khoẻ trong những điểm truyền giáo lân cận.

Tháng 6 năm 1979, sau khi chọn ba điểm truyền giáo, chị em đã bắt đầu thử nghiệm một phòng khám di động hàng tháng. Điều này được bắt đầu để giúp cho những người bệnh gặp khó khăn trong việc đi lại và ở những khu vực nghèo, vì vậy việc tiêm vắc xin, khám sức khoẻ và điều trị là những điều cấp bách nhất. Trong khi những làm việc này, chị em nhận thức được về việc người dân thiếu sự quan tâm đến sức khoẻ của họ; từ đó chị em bắt đầu phát triển các hoạt động giáo dục sức khoẻ.

Nhà Thánh Phanxicô, Jinju (1974)

Theo lời mời của Cha Diego Michelon, OFM (Ý), các chị Theresia Oyama và Lorenzo Kim Ta Ri FMM bắt đầu bằng việc giám sát việc xây dựng Nhà Old Folks ở Jinju. Vào ngày 13 tháng 1 năm 1973, cộng đoàn FMM được thành lập với Thánh Lễ đầu tiên vào ngày 24 tháng Giêng. Sr. Theresia đã có hơn mười năm kinh nghiệm phục vụ người cao tuổi ở Nhật Bản, Sr Lorenza và Sr M. Blanche Belzel (người Canada, tên dòng là M. Phileas) thành lập cộng đoàn mới. Cùng với sáu nhân viên, họ đã bắt đầu Nhà hưu 'Old Folks'. Nhà được chính thức khai trương vào ngày 6 tháng 6 năm 1975 và nhận được sự chấp thuận của chính phủ vào ngày 7 tháng 10. Ban đầu, nơi này được gọi là "Nhà thánh Phanxicô cho người già", nhưng người cao tuổi không thích tiêu đề trên và tên đã được đổi thành 'Nhà Thánh Phanxicô'. Tháng 6 năm 1976 bắt đầu xây dựng một nhà nguyện mới cùng với tầng thứ hai trên tòa nhà. Khi nhà hoàn thành vào ngày 15 tháng 3 năm 1977, số người cao tuổi đã tăng từ 35 lên 70 người.

Trường Phổ thông cơ sở St. Mary và trường Phổ thông trung học

Năm 1969, thành phố Seoul bắt đầu hệ thống đón nhận học sinh trung học mà không có kỳ thi đầu vào ; tại Pusan ​​cũng đã theo hệ thống này, vào ngày 5 tháng 3 năm 1970, 192 học sinh vào trường Phổ thông cấp hai St. Mary mà không phải trải qua kỳ thi tuyển sinh. Trong quá trình cân bằng về giáo dục, Bộ Giáo dục đã sớm chọn thực thi chính sách tách rời giữa các trường Phổ thông cơ sở và trung học. Điều này gây nhiều khó khăn về hành chính cho trường St. Mary.

Cho đến lúc đó, đã có rất nhiều khó khăn trong việc điều hành một trường Phổ thông cơ sở có chín lớp, nhưng nếu cả hai trường phải tách ra thì sẽ là quá nặng nề. Vì vậy, bắt đầu từ năm 1972, không có thêm học sinh nào được chấp nhận nhập học trường Phổ thông cơ sở, và vào ngày 1 tháng 4 năm 1974 trường đó đã đóng cửa. Năm 1964, lớp tốt nghiệp đầu tiên của trường đã có tổng cộng 43 sinh viên và năm 1974, lớp 11 tốt nghiệp là 193 sinh viên! Tổng cộng có 1,562 sinh viên tốt nghiệp Trường Trung học Nữ sinh St. Mary. Vào ngày 28 tháng 5 năm 1979, Trường trung học Nữ sinh St Mary đã được chuyển giao cho giáo phận. Những lý do không chỉ là vấn đề hành chính, mà còn là mong muốn làm chứng về Tin Mừng bằng cách làm việc không như người sử dụng lao động, nhưng cùng cấp độ như các giáo viên và để cho các chị em hành xử trong việc tông đồ theo cung cách FMM hơn. Vì vậy, các nhà quản trị FMM rời khỏi trường học, nhưng chị em FMM đã luôn luôn có mặt ở đây với tư cách là nhân viên giảng dạy.

Sunhwa Hostel (1979)

Từ khi tài sản đã được mua tại Karibong năm 1965 để làm một trường trường Phổ thông cơ sở và trung học cho các thiếu nữ Công giáo nhưng đã không được sử dụng, chị em bắt đầu vào tháng 12 năm 1977 để tìm hiểu các cách thức sử dụng đất đai cho hoạt động tông đồ trong tương lai. Vào thời điểm đó có rất nhiều nhà máy trong khu vực, và nhà nghỉ đã đông đúc xung quanh khu vực chợ. Tại một địa điểm như vậy, có một mảnh đất lớn bỏ không thì không chỉ trái với Phúc âm và tinh thần của Hội Dòng, mà còn gây lúng túng trước mặt những người hàng xóm...

Từ khi mà các chị đôi khi nghe thấy tiếng loa từ văn phòng địa phương và nhà thờ gần đó loan báo một đứa trẻ mất tích, chị em nghĩ đến việc xây dựng một lớp vườn trẻ trước; nhưng sau đó các chị biện biệt và nhận thấy rằng ở khu vực đó, có nhu cầu lớn hơn về một nhà nghỉ cho các phụ nữ trẻ đi làm việc. Một phần đất đã được bán để đáp ứng các chi phí xây dựng, và trong tháng 7 năm 1978 nhà nghỉ Sunhwa Hostel đã được khởi công, sẽ hoàn thành vào tháng 3 năm 1979...

Tên của nhà nghỉ, 'Sunhwa', có nghĩa là Bình an và Thiện hảo viết bằng các ký tự Trung Quốc; vào ngày 1 tháng 5 năm 1979 nhà nghỉ được khai trương chính thức. Gemm Kim Im Ok là người Phụ trách đầu tiên và sau chị ấy, Micaela Garriz với ba nhân viên đã chăm sóc những người đến trú. Trong tháng đầu tiên, 31 phụ nữ trẻ đã chuyển vào và tháng 10 năm 1979 nhà nghỉ đã đầy, với 105 khách trọ. Nhà nghỉ có các mục tiêu nhằm dạy về tinh thần Kitô hữu và thái độ sống, tạo ra một bầu không khí gia đình và nhấn mạnh đến việc giáo dục phụ nữ. Nhà nghỉ chỉ chấp nhận những phụ nữ trẻ từ 23 tuổi trở lên, làm việc trong khu công nghiệp Kuro.

Việc đào tạo trong Tỉnh Dòng

Năm 1978, Ban đào tạo tập trung vào công việc đang diễn ra, đặc biệt cho cầu nguyện và phụng vụ, và đã quyết định rằng tất cả các cộng đoàn của Tỉnh Dòng sẽ có việc chia sẻ Tin Mừng. Bắt đầu từ năm 1980, ơn gọi tăng lên, và số chị em Khấn tạm cũng tăng lên, vì vậy mỗi cộng đoàn đều trở thành một cộng đoàn huấn luyện.

Có những nỗ lực để đào sâu căn tính FMM qua việc học hỏi nghiên cứu các tài liệu của Hội Dòng và Hiến pháp trong các cộng đoàn, cùng với những nỗ lực để tạo ra một bầu không khí thắm tình chị em, củng cố đời sống cầu nguyện và thực hiện những suy tư về đời sống từ quan điểm của đời sống chứng tá ​​ mà một chị khấn trọn có thể cống hiến.

Năm 1981, bản dịch tiếng Hàn Quốc của các quyển sách “Đọc Hiến pháp với Mẹ Marie de la Passion”, “Hành trình tâm linh của Mẹ Marie de la Passion” và “Hai nhân vật Phúc âm: Phanxicô Assisi và Mẹ Marie de la Passion” được xuất bản. Để đào sâu hơn việc hiểu Hiến pháp, mỗi thành viên Hội đồng Tỉnh Dòng đã nhận một chủ đề trong Hiến pháp và đến thăm từng cộng đoàn để chia sẻ về chủ đề đó. Vào năm 1982, quyển “Một cánh cửa mở ra cho con đường Phan sinh” (Đọc Hiến pháp với thánh Phanxicô) đã được dịch và mỗi cộng đoàn đã học hỏi để chia sẻ dựa trên đó.

Sau khi chia sẻ Tin Mừng trong ba năm với sự trợ giúp của sách Lời Chúa, các cộng đoàn đã được trao cho sự lựa chọn để tiếp tục chia sẻ Tin Mừng hoặc để thực hiện một nghiên cứu về Dự thảo cho việc Lên Kế hoạch Mục vụ huớng đến kỷ niệm 200 năm ngày thành lập Giáo hội Công giáo ở Hàn Quốc. Vì vậy, bằng nhiều phương cách khác nhau, các nỗ lực đã được dành cho việc đào luyện về Kinh Thánh và tinh thần Hội Dòng. Tuy nhiên, thật đáng tiếc vì vì rào cản ngôn ngữ, chỉ rất ít chị em có thể tham dự các khóa học Sorgente hoặc Emmaus, các chương trình của Trung ương nhằm đào sâu Đoàn sủng và Linh đạo của Hội Dòng.

Các tài liệu được trích từ cuốn sách 'Thưa Vâng! Cách Vui Tươi! FMM tại Hàn Quốc, 1958 - 2008'.

Biên tập do Sr Bibiana Suh Yung Hi fmm & Sabina Hong Hyeon Jeong, fmm.