Bài Giảng Trong Thánh Lễ Tạ Ơn Hồng Ân 90 Năm

LỄ TẠ ƠN

Mừng ngày thành lập Hội dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ,

90 năm Hội dòng hiện diện tại Việt Nam,

50 năm thành lập Tỉnh dòng Thánh Tâm Việt Nam

Ngày 06.01.2023 tại nhà thờ Thánh Phanxicô Qui Hòa

(Is 63,7-9; Ep 1,3-12; Lc 1,39-56)

 

Hôm nay, ngày 06.01.2023, chúng ta họp nhau tại nhà thờ Thánh Phanxicô Qui Hòa, để cùng hiệp dâng thánh lễ tạ ơn, mừng kỷ niệm ngày thành lập Hội dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ (06.01.1877), mừng kỷ niệm 90 năm Hội dòng hiện diện và phục vụ tại Việt Nam và mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Tỉnh dòng Thánh Tâm Việt Nam. Thánh lễ được cử hành tại Qui Hòa, vì đây là nơi hiện diện đầu tiên của Hội dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ tại Việt Nam và được coi như một cái nôi từ đó sinh ra các cộng đoàn Phan Sinh khác tại nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, để rồi được chính thức trở thành Tỉnh dòng Thánh Tâm Việt Nam cách đây vừa tròn nửa thế kỷ.

Hôm nay các nữ tu Phan Sinh trở về cái nôi của mình, để cùng nhau ôn lại quãng đường lịch sử mà các chị em đã trải qua dưới sự quan phòng dẫn dắt của Thiên Chúa. Tỉnh dòng Thánh Tâm Việt Nam là một thực tế hiện tại, kết quả của 50 năm hình thành và phát triển của Hội dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ tại Việt Nam. Đứng từ tọa độ của thực tế hiện tại ấy, hôm nay các chị em cùng nhìn về quá khứ để xác định căn tính của mình và từ đó vạch ra một định hướng cho tương lai, đó là điều mà bất cứ hình thái xã hội nào cũng phải thực hiện, nếu không muốn đánh mất chính mình, như lời ông Robert A. Heinlein đã nói: “Một thế hệ ngoảnh mặt lại với lịch sử là một thế hệ không có quá khứ và cũng không có tương lai”.

Đối với chúng ta là những người có niềm tin vào Thiên Chúa là chủ tể của lịch sử, khi nhìn về quá khứ chúng ta không thể không nhận ra bàn tay đầy uy quyền và yêu thương của Thiên Chúa đã và đang dẫn dắt lịch sử, và từ đó, như một phản ứng tự nhiên của đức tin, chúng ta cùng nhau dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Đây là điều mà chúng ta thấy được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong lịch sử dân Chúa thời Cựu Ước, cụ thể như đoạn sách ngôn sứ Isaia trong bài đọc I hôm nay: “Tôi xin nhắc lại ân nghĩa Đức Chúa, dâng lời ca tụng Đức Chúa, vì tất cả những gì Đức Chúa đã thực hiện cho chúng tôi vì lòng nhân hậu lớn lao của Người đối với nhà Israel, vì những gì Người đã thực hiện bởi lòng Người đầy thương xót và lắm nghĩa giàu ân” (Is 63,7). Người Israel làm sao quên được chính Thiên Chúa đã tuyển chọn tổ phụ của họ là ông Abraham và hứa sẽ ban cho ông một dòng dõi đông như sao trời, nhiều như cát biển. Ký ức của họ dường như không đủ sức chứa khi nhắc lại vô vàn kỳ tích mà Thiên Chúa đã thực hiện cho cha ông của họ, khi giải thoát cha ông họ khỏi ách nô lệ Ai cập, dẫn đưa cha ông họ vượt qua Biển Đỏ nội trong một đêm, băng qua sa mạc suốt 40 năm trường, để rồi cuối cùng chiếm lĩnh được vùng đất hứa chảy đầy sữa và mật. Từ đó những thánh vịnh và những bài ca tạ ơn thi nhau ra đời và không ngừng được lặp đi lặp lại trên môi miệng các thế hệ con cháu Israel.

Là một người Israel đạo đức và thường xuyên suy niệm Thánh Kinh, Đức Maria đã tiếp nối và đạt đến cao điểm của truyền thống tạ ơn dựa trên lịch sử của dân thánh, khi Mẹ không chỉ dùng miệng lưỡi, mà còn dùng cả tâm hồn và thần trí để cất cao lời tạ ơn Thiên Chúa với bài thánh ca Magnificat trong đoạn Tin mừng hôm nay: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi... Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!... Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1,46-47.49.54-55). Đức Maria biết rõ đứa con mà Mẹ đang cưu mang trong dạ là điểm hội tụ của toàn bộ lịch sử thánh, nơi Thiên Chúa thực hiện các lời hứa cho các tổ phụ, và là tuyệt đỉnh của những công trình kỳ diệu mà Thiên Chúa thực hiện cho dân riêng của Người. Khi biết được tất cả ân sủng đều được Thiên Chúa ban cho nhân loại qua Đức Giêsu Kitô là con của Mẹ và tâm hồn Mẹ là nơi nhận lãnh để trao lại cho thế giới, thì tâm tình tạ ơn của Mẹ phải lớn biết chừng nào, đến độ những lời tạ ơn của Mẹ không phải chỉ thốt ra bằng môi miệng mà còn bằng cả tâm hồn.

Cùng một tâm tình như Đức Maria, trong bức thư gửi các tín hữu thành Êphêsô trong bài đọc II, Thánh Phaolô đã xác tín rằng chính trong Đức Kitô và qua Đức Kitô mà mọi ơn lành được Thiên Chúa ban cho nhân loại, và ngài viết: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Ep 1,3-4).

Đứng trước những hồng ân đặc biệt ấy, Đức Maria đã thể hiện tâm tình chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa bằng hai chữ ECCE và FIAT mà Mẹ đã thưa với sứ thần Gabriel trong ngày Truyền tin. Bằng lời thưa “Ecce, này con đây”, Mẹ đã luôn luôn sẵn sàng đáp lại thánh ý Thiên Chúa, và bằng lời thưa “Fiat, xin vâng”, Mẹ đã mau mắn cộng tác để thánh ý Chúa được thực hiện. Cụ thể, Mẹ đã mau mắn đưa Ngôi Lời nhập thể trong dạ Mẹ đến nhà bà chị họ Elisabet, qua đó Mẹ đã là vị thừa sai đầu tiên của Đấng Cứu Thế. Về phần Thánh Phaolô, ngài đã thể hiện tâm tình chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa bằng lời thưa khi bị quật ngã trên đường Đamas: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Và sau đó ngài đã dùng cả cuộc đời để đi khắp mọi nơi loan báo Tin mừng cho các dân tộc, qua đó ngài đã trở thành một vị thừa sai lừng danh trong lịch sử Hội Thánh.

Ngày 06.01.1877, Chân phước Marie de la Passion đã sáng lập Hội dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ. Tên gọi của Hội dòng đã cho thấy đây là một Hội dòng thừa sai truyền giáo theo linh đạo Phan Sinh bắt nguồn từ Thánh Phanxicô Assisi và linh đạo Thánh Mẫu bắt nguồn từ hai tiếng Ecce và Fiat của của Đức Mẹ Maria. Theo linh đạo Phan Sinh, các chị em sống Tin mừng trong cộng đoàn huynh đệ, được đánh dấu bằng nếp sống “bước theo Đức Kitô khiêm nhường, nghèo khó trong đơn sơ, bình an và vui tươi” (Hiến pháp Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, điều 5). Theo linh đạo Thánh Mẫu, các chị em noi gương Mẹ Maria sống thái độ căn bản của hai tiếng Ecce và Fiat, “luôn ngỡ ngàng thán phục hồng ân nhưng không của Thiên Chúa, chăm chú lắng nghe và tuân giữ Lời Người, niềm nở đón nhận các nhu cầu của tha nhân để chuyển cầu cho họ” (Hiến pháp Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, điều 10).

Với linh đạo Phan Sinh và Thánh Mẫu, năm 1932 Tỉnh dòng Thánh Tâm Paris đã gửi 6 nữ tu thừa sai của mình đến địa phận Qui Nhơn để phục vụ các bệnh nhân tại trại phong Qui Hòa. Đó là những thừa sai đã tạo thành cộng đoàn Phan Sinh đầu tiên tại Việt Nam, tính đến nay đã vừa vượt qua con số 90 năm. Qua dòng thời gian, các cộng đoàn Phan Sinh khác đã được thành lập tại nhiều nơi trên đất nước Việt Nam và không ngừng phát triển để trở thành một Tỉnh dòng vào năm 1973, với tên gọi là Tỉnh dòng Thánh Tâm Việt Nam, tính đến nay vừa tròn 50 năm. Vị Bề trên Giám tỉnh tiên khởi của Tỉnh dòng là nữ tu Madeleine Nguyễn Thị Triệu (1973-1988), quê ở Cù Và thuộc Giáo phận Qui Nhơn. Có một sự trùng hợp nữa là Vị Bề trên Giám tỉnh đương nhiệm là nữ tu Anna Nguyễn Thị Tạo, quê ở Kim Châu, cũng thuộc Giáo phận Qui Nhơn.

Người ta vẫn thường nói: “Có nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một chốn để về”. Trong suốt 90 năm và 50 năm qua, các nữ tu Phan Sinh đã ra đi phục vụ rất nhiều nơi tại Việt Nam cũng như trên thế giới, nhưng chỉ có một chốn cũ để về tìm lại cội nguồn của mình, đó là Qui Hòa, một Qui Hòa của 90 năm qua vẫn còn đó với ngôi thánh đường xinh đẹp và tu viện cổ kính, in đậm bóng hình của một thời đã qua. Địa chỉ phục vụ của các chị em có thể khác nhau về địa danh, nhưng rốt cuộc chỉ có một địa chỉ duy nhất, đó là những người đói nghèo, đau khổ, bệnh tật trong xã hội, mà khởi đầu là những bệnh nhân tại trại phong Qui Hòa.

Hôm nay, khi nhìn lại 90 năm và 50 năm hành trình đã qua, chúng ta thấy rõ đó là một con đường mà Thiên Chúa đã vạch ra cho Hội dòng, trên đó các chị em đã sống, bước đi và phục vụ dưới sự hướng dẫn, che chở và trợ giúp của Thiên Chúa. Dọc theo con đường đó, Thiên Chúa đã trồng những cây tỏa bóng mát, hương thơm và trổ sinh trái ngọt phục vụ con người, đó là các nữ tu Phan Sinh. Trên con đường đó vẫn còn những gốc đại thụ là các nữ tu cao tuổi đang ở tại cộng đoàn Qui Hòa này như bằng chứng về những hồng ân Thiên Chúa ban xuống cho Hội dòng. Chúng ta hãy cùng nhau dâng lời tạ ơn Thiên Chúa cùng với Hội dòng và cầu nguyện cho Hội dòng được ngày càng phát triển để phục vụ Nước Chúa và tha nhân bằng sự thánh thiện, lời cầu nguyện và tình thương.

Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi