Bài Giảng Lễ Khấn Lần Đầu 2022

MẦU NHIỆM ƠN GỌI

1/ Hôm nay là ngày tuyên khấn lần đầu của 3 chị PSTSĐM. Hình ảnh này làm tôi liên tưởng đến câu chuyện Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên khi Ngài bắt đầu sứ vụ công khai. Và khi được Chúa gọi các môn đệ đã mau mắn đi theo Người. Phúc âm kể rằng: khi nghe Chúa nói: “Các anh hãy theo Tôi. Lập tức các ông bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mt 4,18-22). Sở dĩ các ông mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa là vì các ông cảm nghiệm được đi theo Chúa là một ân huệ, một ân huệ nhưng không. Nhìn các chị tuyên khấn hôm nay, ta thấy các chị rạng rỡ niềm vui và hạnh phúc, bởi vì các chị cũng đang cảm nhận được đây là một ân huệ lớn lao mà Chúa dành cho các chị, vì “Chúa gọi thì nhiều mà chọn thì ít”. Nhưng chúng ta tự hỏi Chúa chọn các môn đệ để làm gì?

Câu trả lời rất đơn giản: Chúa Giêsu đã chọn các tông đồ để các ông tiếp nối sứ mạng cứu độ mà Chúa đã thực hiện qua cái chết và sự sống lại của Người.

Nhưng trước khi được sai đi thi hành sứ mạng, các tông đồ cần được Chúa dạy dỗ và chia sẻ nếp sống với Người. Chính nhờ được sống với Chúa, nghe những lời Chúa giảng dạy, chứng kiến những phép lạ Chúa làm, và nhất là cảm nghiệm được tình thương của Thầy Giêsu, các ông xác tín niềm tin của mình và đã mạnh dạn ra đi loan báo Tin mừng, bất chấp mọi khó khăn bách hại và ngay cả cái chết, để làm chứng cho Chúa.

Đó cũng là ơn gọi và sứ mạng của mọi Kitô hữu, nhưng cách riêng cho những người được Chúa kêu gọi trong đời sống linh mục và tu sĩ.

2/ Cả 2 bài đọc hôm nay: Bài Tin mừng theo thánh Gioan và thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Rôma nêu bật cho chúng ta 2 khía cạnh này:

Dụ ngôn cây nho trong bài Tin mừng là một hình ảnh sống động cho sự gắn kết giữa người sống đời thánh hiến với Chúa Giêsu. Cũng như ngành nho gắn liền với cây nho, người tu sĩ cũng được mời gọi liên kết mật thiết với Chúa Giêsu để “Thầy ở trong các con và các con ở trong Thầy”. “Ở lại” trong Thầy Giêsu là điều cần thiết để “biết” Chúa Giêsu là ai? sứ mạng của Ngài là gì? quan niệm của Ngài về cuộc đời và về con người, về sự sống sự chết… Ở lại với Chúa để hiểu biết cách tỏ tường những lời giảng dạy của Chúa và thánh ý của Người, và nhất là để cảm nghiệm được tình yêu thương cao vời của Người vì “Từ nay Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu” (Ga 15,15).

Người tu sĩ được “ở lại” với Chúa bằng nhiều cách: qua việc cầu nguyện, các giờ Kinh Phụng vụ, các giờ đạo đức, qua việc suy gẫm hằng ngày. Nhưng nhất là “ở lại” với Chúa trong bí tích Thánh Thể. Đây cũng là điểm nổi bật trong linh đạo của Dòng PSTSĐM. Người tu sĩ Phan sinh không chỉ đến với BTTT bằng việc tham dự thánh lễ mỗi ngày, lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa, mà còn dành thời giờ cho việc thờ phượng Thánh Thể mỗi ngày. Hằng ngày mỗi tu sĩ PSTSĐM phải dành riêng ít là một giờ để thờ phượng Thánh thể, không phải thờ phượng trong tâm trí, mà bằng sự hiện diện cụ thể trước Thánh Thể được trưng ra trên bàn thờ hay trong nhà tạm. Chính nhờ sự thờ phượng này mà người tu sĩ Phan sinh được tràn đầy nhựa sống để trổ sinh hoa trái.

3/ Hoa trái của việc “ở lại” với Chúa là ra đi thi hành sứ mạng mà Chúa đã giao phó. Trong bài đọc 2 thư Rôma, thánh Phaolô mô tả các ân huệ của Thánh Thần được ban cho con người bằng nhiều cách tùy theo mỗi người. Nhưng tất cả đều nhằm đem lại lợi ích phần rỗi cho con người, và làm cho Nước Chúa trị đến.

Các chị PSTSĐM cũng được lãnh nhận những ân huệ khác nhau của Thánh Thần để được sai đi loan báo Tin Mừng, nhưng theo linh đạo Phan sinh và Thừa sai. Là Phan Sinh nghĩa là mặc lấy tinh thần huynh đệ và hèn mọn theo linh đạo của thánh Phanxicô, các chị đã không chọn cho mình những ưu tiên, nhưng ưu tiên chọn lựa phục vụ người nghèo, người “bé mọn”, người đau khổ, người bị gạt ra bên lề xã hội, người vùng núi vùng xa…  Như trại phong ở Quy Hòa, nhà cho người khiếm thị ở Bình Chánh, các nhà nội trú dân tộc ở Suối Dầu, Thạnh Mỹ, nhà dạy may cho các em dân tộc nữ ở Gia Lai – Kontum, và nhiều cộng đoàn có phòng khám và phát thuốc cho người nghèo, giúp đỡ những gia đình khó khăn nơi các chị đang sinh sống. Tóm lại “ở đâu cần Phan sinh có, ở đâu khó có Phan sinh”.

Đồng thời các chị cũng muốn là những Thừa Sai đích thực, nghĩa là ra đi bất cứ nơi nào Chúa muốn. Không chỉ trong địa phương nơi mình đang sống hay đất nước VN, mà là trên toàn thế giới, từ các nước Âu Mỹ đến tận những nước nghèo khổ như Công-gô, Phi-châu, Pakistan, Senegal, Sudan, và tương lai là Columbia v.v… với tâm tình tràn đầy niềm vui và hy vọng của kẻ gieo giống, chấp nhận mọi khó khăn, thử thánh, để cho hạt giống Tin mừng đến với mọi người, vì các chị xác tín rằng mọi người đều là con cái Chúa, đều được Chúa cứu chuộc.

4/ Nhưng tôi muốn đặc biệt dừng lại ở bài đọc 1 (Samuel), vì nó liên hệ trực tiếp đến lễ khấn của các chị hôm nay.

Bài đọc 1 kể lại ơn gọi của Samuel. Để hiểu rõ hơn về ơn gọi của Samuel, ta hãy trở lại với câu chuyện của bà Anna, mẹ của Samuel.

Hai vợ chồng bà Anna đã già mà không có con. Đây không chỉ là nỗi đau của bà, mà còn là một sự tủi nhục. Vì người xưa cho rằng người đàn bà không sinh con là vô phúc. Và chính trong cơn tuyệt vọng như thế bà đã chạy đến với Chúa. Nơi đền thờ, bà đã cầu xin thống thiết với Chúa đến nỗi tư tế Ê-li tưởng bà say rượu nói lảm nhảm nên đuổi bà về. Sau đó Chúa đã thương chấp nhận lời khẩn cầu của bà, và cho bà có được một mụn con, đó là Samuel.

Sách Samuel viết tiếp là sau khi cai sữa cho con (khoảng 3 tuổi), bà đã dâng con vào trong đền thờ. Đau khổ vì không có con, giờ được Chúa ban cho một mụn con, thì tại sao bà lại dâng nó vào đền thờ? Thưa bởi vì bà Anna ý thức rằng con cái là hồng ân của Chúa. Và bà còn cảm nhận đây là ân huệ lớn lao nhất mà Chúa đã thương ban cho bà, khi bà không còn khả năng sinh đẻ. Chính vì cảm nhận được tình thương bao la đó của Thiên Chúa, bà đã dâng con mình lại cho Chúa như một sự biết ơn và tạ ơn.

Một chi tiết khá thú vị mà tác giả sách Samuel ghi lại là: Lúc lên đền thờ để dâng Samuel cho Chúa, bà Anna đã “mang theo một con bò mộng 3 tuổi, hai thùng bột và một bầu da đầy rượu” (1S 1,24). Đây không chỉ là lễ vật, mà còn là một sự đóng góp của bà cho sự nuôi nấng dạy dỗ của tư tế Ê-li.

Ở đây tôi muốn nói rằng ƠN GỌI phải bắt đầu từ gia đình. Gia đình là vườm ươm ơn gọi. Chính cha mẹ có bổn phận phải hướng dẫn con cái trong việc chọn lựa ơn gọi. Mọi ơn gọi đều cao quý, nhưng ơn gọi linh mục và tu sĩ là cao quý nhất, bởi lẽ cha mẹ cũng ý thức - như bà Anna - con cái là hồng ân của Chúa, vì thế không có của lễ nào tốt đẹp hơn là dâng trả lại cho Chúa những gì thuộc về Chúa.

Đồng thời cha mẹ gia đình và họ hàng cũng phải ý thức trách nhiệm đóng góp cho ơn gọi của con cái mình. Bằng lời cầu nguyện sớm hôm, bằng những hy sinh hãm mình, bằng cách sống tốt đời đẹp đạo… và cả bằng việc đóng góp vật chất để giúp nhà Dòng nuôi nấng dạy dỗ con cái mình (Không biết cha mẹ các chị đây khi dâng con vào nhà Dòng có mang theo con bò hay con bê gì không? mà người đời gọi là của hồi môn cho con gái về nhà chồng!).

Trở lại với BĐ 1: Chúa gọi Samuel tới 3 lần, nhưng Samuel không nhận ra. Và phải nhờ đến tư tế Ê-li thì sau cùng Samuel mới có thể đáp lại tiếng Chúa gọi: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”. Thiên Chúa có thể gọi con người bằng bất cứ cách nào Người muốn: hoặc trực tiếp như khi gọi Abraham, Mô-sê, hoặc qua trung gian một biến cố, một sự vật, thậm chí có thể là một tà áo dòng v.v… nhưng thông thường Chúa kêu gọi một người qua trung gian con người. Người trung gian này không hẳn phải là một người thánh thiện, tốt lành hay khôn ngoan thông thái, nhưng là người chân thành cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Tư tế Ê-li không phải là người thánh thiện. Ông đã bị Thiên Chúa phạt vì đã không dạy dỗ 2 người con sống đẹp lòng Chúa, nhưng Chúa vẫn dùng ông để hướng dẫn Samuel nhận ra tiếng Chúa gọi.

Ngoài ra khi sống với tư tế Ê-li, Samuel cũng đã học biết cầu nguyện và làm việc, được sự giáo huấn của Ê-li và cả gương sáng của ông, để sau này trở thành một vị tiên tri lớn của Chúa trong thời Cựu Ước.

Khi gửi con cái vào nhà Dòng, con cái của ông bà là các chị đây cũng được học tập cầu nguyện và làm việc, được sống tình huynh đệ với các chị em, đặc biệt là gương sáng của các chị lớn tuổi - về lòng trung thành, sự hi sinh và tinh thần vui tươi phó thác - là sự khích lệ và nâng đỡ cho những người mới bước vào đời tu. Cách riêng là chị Giáo tập là người đồng hành với các chị trong mọi lúc mọi nơi, để giúp các chị nhận ra và đáp lại lời mời gọi yêu thương của Chúa.

5/ Và bài Đáp ca TV 39 với điệp khúc “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài” vọng lên hai tiếng “Xin Vâng” của Đức Maria. Mẹ cũng đã được Chúa chọn. Ơn gọi của Mẹ cũng là ơn gọi của Hội Thánh, của mỗi Kitô hữu và của người tu sĩ Phan sinh, đó là ơn gọi truyền giáo, là đem Chúa đến cho kẻ khác. Mẹ là nhà truyền giáo đầu tiên trong lịch sử Giáo hội. Người nữ tu Phan sinh khi thi hành sứ mạng truyền giáo cũng được mời gọi noi gương và bắt chước Mẹ làm chứng cho Chúa bằng chính đời sống yêu thương phục vụ, đồng thời luôn biết “Xin Vâng” với tâm tình phó thác để thánh ý Chúa và chương trình của Chúa được thực hiện – như lời Mẹ Sáng lập Marie de la Passion đã nói; “Chúa không đòi thành công, nhưng đòi con hiến dâng”.

6/ Kết: Chúng ta cùng hiệp lời với các chị tuyên khấn hôm nay để dâng lên Chúa lời tri ân cảm tạ vì hồng ân đời sống thánh hiến, và xin cho các chị được ơn trung tín với những lời cam kết mà các chị sắp tuyên hứa, để các chị trở thành những người tu sĩ đích thực, đúng như tên gọi và linh đạo của Dòng: Phan Sinh – Thừa Sai – Đức Mẹ.