Bài giảng Thánh Lễ Tuyên Khấn Vĩnh Viễn

Hai chữ "trọn đời" trong lời tuyên khấn của các chị em hôm nay không phải chỉ là vấn đề thời gian, mà còn là vấn đề mức độ. Không phải chiều dài của đời sống hay tổng số những hoạt động là quan trọng, nhưng chính cao độ của tình yêu thúc đẩy và biến đổi cuộc đời cùng với các hoạt động ấy mới là quan trọng. Như vậy, khấn trọn đời là một quyết tâm thuộc trọn về Chúa không những cho đến suốt đời, mà còn bao trùm mọi khía cạnh của cuộc đời, để hoàn toàn sống cho Chúa, hay có thể nói như thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi" (Gl 2,20)...

BÀI GIẢNG TRONG LỄ TUYÊN KHẤN VĨNH VIỄN
của các Nữ tu Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ 
tại nhà nguyện Thánh Tâm, Sài Gòn ngày 30 tháng 5 năm 2020

Sau một thời gian đào tạo, chuẩn bị và chờ đợi lâu dài, trải qua bao mùa trăng khuyết lại tròn, giờ đây chỉ còn ít phút ngắn ngủi nữa thôi, 9 nữ tu Phan Sinh sẽ tiến lên trước mặt Chúa, với sự chứng kiến của mọi thành phần dân Chúa, long trọng tuyên khấn vĩnh viễn trong Hội dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, Tỉnh dòng Thánh Tâm Việt Nam. Đó là các chị em:

Lịch, Sinh, Vui, Huế, Minh Châu,

Thanh Phương, Hồng Phận, Thu Hằng, Ngọc Lan.

Trong một thế giới ngày càng gia tốc trên đà tục hóa như hiện nay, ngày lễ khấn dòng với tất cả nghi thức trang trọng và đầy tràn ý nghĩa chẳng khác nào một bài thánh ca tuyệt vời, được tấu lên trên khung nền nhạc đời, dường như muốn phá tan nhịp sống phàm tục và đưa con người đi vào một thế giới thánh thiêng của những con người tự nguyện sống đời thánh hiến, để làm phản ánh sự thánh thiện của Chúa trên trần gian. Tuyên khấn trọn đời là một lời cam kết được thốt lên chỉ trong mấy tích tắc đồng hồ nhưng lại chứa đựng cả cuộc đời, được nói bằng môi miệng nhưng bao hàm cả con người, được bày tỏ trong hiện tại nhưng ôm trọn cả tương lai. Rồi đây tháng năm sẽ chứng minh cho lời cam kết ấy.

Thánh lễ tuyên khấn đã mở đầu bằng lời nguyện nhập lễ như sau: "Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho ơn bí tích Rửa tội được mạnh mẽ trổ sinh hoa trái nơi các nữ tỳ Chúa đây, để họ cương quyết bước theo dấu chân Con Chúa, xin cho họ khi tìm sự trọn lành Phúc Âm, thì họ cũng gia tăng sự thánh thiện của Giáo Hội và làm cho sức mạnh truyền giáo của Giáo Hội nên vững bền".

Qua lời nguyện nhập lễ này, Giáo Hội cho chúng ta thấy hồng ân thánh hiến là một sự triển khai chính hồng ân bí tích Thánh tẩy mà tất cả mọi Kitô hữu đều lãnh nhận, để từ đó một số người được mời gọi tiến lên cao hơn trên con đường thánh thiện trong đời sống thánh hiến, nhờ đó họ góp phần vào công cuộc truyền giáo của Giáo Hội với tư cách là những sứ giả loan báo Tin Mừng. Đó là điều mà 9 nữ tu sắp tuyên khấn vĩnh viễn cảm nhận rõ nhất trong ngày lễ hôm nay.

Chân phước Marie de la Passion, Mẹ sáng lập Hội dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, đã tâm niệm: "Tôi đã được thánh hiến cho Thiên Chúa. Cùng đích của đời tôi là Tình Yêu". Kết hợp với lời tâm niệm của mẹ, lời tuyên khấn trọn đời hôm nay của 9 nữ tu con cái mẹ là khúc hát lên đường của một cuộc hành trình dài, ôm trọn một đời sống thánh hiến mang đậm dấu ấn tình yêu hôn ước giữa Thiên Chúa với dân Người, như lời Chúa phán qua đoạn sách ngôn sứ Hôsê ở bài đọc I: "Vào ngày đó - sấm ngôn của Đức Chúa - ngươi sẽ gọi Ta: "Mình ơi", chứ không còn gọi "Ông chủ ơi" nữa. Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương; Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa" (Hs 2, 18.21-22).

"Được biết Đức Chúa", tức là được yêu mến Thiên Chúa, đó là hạnh phúc tuyệt vời của người tu sĩ, không có gì sánh bằng, như lời thánh Phaolô trong thư gửi các tín hữu thành Philipphê trong bài đọc II: "Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Ðức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Ðức Kitô và được kết hợp với Người" (Pl 3, 8). Ca dao Việt Nam có câu: "Một yêu là sự đã liều, mưa mai cũng chịu nắng chiều cũng cam".

Chính tình yêu trọn vẹn đối với Đức Kitô được thể hiện qua đời sống thánh hiến khiến các nữ tu hoàn toàn gắn bó với Đức Kitô như cành nho gắn liền với thân nho, như lời Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay (Ga 15, 1 – 8). Điều này được các chị em thực hiện mỗi ngày không những qua việc tham dự thánh lễ, mà còn qua những giờ thờ phượng Thánh Thể. Nhờ gắn liền với Chúa Giêsu bằng tình yêu dâng hiến, các chị em được hưởng sự sống dồi dào, từ đó có thể trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện, như cành nho trổ sinh hoa trái nhờ gắn liền với thân nho, những hoa trái trong đời sống thiêng liêng của mỗi chị em và trong các lãnh vực hoạt động như mục vụ tông đồ, giáo dục, y tế và công tác xã hội.

Tình yêu của các chị em đối với Đức Kitô trong cuộc đời thánh hiến là một cách đáp trả tình yêu của Người, bởi vì chính Người đã yêu mến các chị em trước, khi kêu gọi các chị em bước theo Người trong cuộc sống tu trì. Cũng chính tình yêu của Đức Kitô sẽ thúc đẩy các chị em mau mắn lên đường đem tình thương chia sẻ cho những người chung quanh, như lời thánh Phaolô mà các chị em đã chọn làm chủ đề cho ngày lễ hôm nay: "Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi" (2Cr 5,14). Đó cũng là linh đạo truyền giáo theo gương Mẹ Maria của Hội dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, một Hội dòng truyền giáo đầu tiên của nữ giới trong lịch sử Giáo Hội.

Hiến dâng trọn cuộc đời để yêu mến Đức Kitô và để cho tình yêu ấy thúc đẩy lên đường giới thiệu Đức Kitô cho mọi người, đó không chỉ là một ý tưởng lớn, mà còn là một lý tưởng cao đẹp tuyệt vời có sức thu hút biết bao người từ khắp mọi nơi đến chia sẻ linh đạo của Hội dòng. Tuy nhiên, mặc dù lý tưởng thật cao đẹp và có sức cuốn hút như thế, nhưng việc cam kết hiến dâng cả cuộc đời để theo đuổi qua lời tuyên khấn vĩnh viễn không phải là điều dễ dàng chút nào để thực hiện, nhưng lại rất dễ để khiến nhiều người phải chùn bước, thoái lui.

Một sự dấn thân vĩnh viễn, quả là điều khó thực hiện đối với con người ngày nay. Quả thế, chúng ta đang sống trong một thời đại được các nhà chuyên môn gọi là "hậu hiện đại". Một thời đại không phải chỉ được xác định bằng sự lên ngôi của công nghệ tin học và kinh tế toàn cầu hóa, nhưng còn chứng kiến sự sụp đổ và tan rã của bao nhiêu hệ thống tư duy và đạo đức đã từng là nền tảng của đời sống nhân loại trải qua bao thế kỷ. Ý niệm về hệ thống đã gần như bị bốc hơi để nhường chỗ cho những mảnh vụn, từ đó có các kiểu nói mang tính thời thượng như: mảnh vụn suy tư, mảnh vụn cuộc đời. Cuộc đời không còn là một dự phóng, nhưng chỉ gồm những khoảnh khắc rời rạc, thiếu thống nhất, không định hướng, do đó không còn ý nghĩa. Nhân loại nói chung, nhất là giới trẻ nói riêng, yêu cuồng sống vội với những phút giây hiện tại, không quan tâm gì đến truyền thống quá khứ, cũng chẳng màng chi đến tương lai. Trong một bối cảnh văn hóa như thế, nhiều người cho rằng lời tuyên khấn vĩnh viễn chỉ là một giấc mơ đẹp, nhưng nó đẹp chỉ vì nó là một giấc mơ không hơn không kém.

Hai chữ "trọn đời" trong lời tuyên khấn của các chị em hôm nay không phải chỉ là vấn đề thời gian, mà còn là vấn đề mức độ. Không phải chiều dài của đời sống hay tổng số những hoạt động là quan trọng, nhưng chính cao độ của tình yêu thúc đẩy và biến đổi cuộc đời cùng với các hoạt động ấy mới là quan trọng. Như vậy, khấn trọn đời là một quyết tâm thuộc trọn về Chúa không những cho đến suốt đời, mà còn bao trùm mọi khía cạnh của cuộc đời, để hoàn toàn sống cho Chúa, hay có thể nói như thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi" (Gl 2,20).

Để thực hiện được điều đó, các chị em không thể dựa vào sức riêng mình, nhưng hoàn toàn tin tưởng vào sự trợ giúp của Chúa, kiên trì tiến bước trên đường trọn lành theo sự dẫn dắt của Chúa, như cảm nghiệm của thánh Phaolô trong thư gửi các tín hữu thành Philipphê trong bài đọc II: "Không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt. Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Ðức Kitô Giêsu" (Pl 3, 12-14).

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nữ tu tuyên khấn trọn đời hôm nay luôn đặt trọn vẹn niềm tin vào Thiên Chúa, để có thể trung thành trong cuộc đời thánh hiến và ngay từ bây giờ được hưởng niềm hạnh phúc khi sống thánh thiện theo ơn gọi đã lãnh nhận, như lời Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Hãy vui mừng hoan hỉ, số 64: "Từ 'hạnh phúc' hay 'phúc thay' trở thành đồng nghĩa với 'thánh thiện'. Nó diễn tả sự thể là ai hiến mình để sống trung thành với Thiên Chúa và Lời Người, sẽ đạt được hạnh phúc đích thật".

Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi.