Giáng Sinh: Thiên Chúa Thông Truyền Chính Mình

Hoàng tử Hòa bình đến với chúng ta vào ban đêm, tại một thời điểm khi cuộc sống dừng lại, các tạo vật được nghỉ ngơi. Chỉ có các Thiên thần cất lên bài Thánh ca để chúc tụng Thiên Chúa: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2:14).

 

Điều này đã xảy ra hơn 2000 năm trước, khi Thiên Chúa đến cư ngụ giữa loài người. Bằng việc nhập thể, Ngài đã biến mình thành một người giống như chúng ta qua một hình ảnh con người, đó là Hài Nhi tại Bethlehem, đã được các tiên tri loan báo và dân Ngài chờ đợi. “Ngôi Lời mặc lấy xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Thánh Gioan đã viết trong phần mở đầu của mình (Ga 1,14). Trong thời đại tiến bộ của công nghệ kỹ thuật, việc chào đời này sẽ trở thành đối tượng của công chúng khắp nơi, nhưng Thiên Chúa đã chọn cách thông truyền của mình để gần gũi với con người. Ngài đến với chúng ta như một Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Một nơi khiêm nhường mà kín đáo và thậm chí nghèo nàn. Trước Hài Nhi, các dân tộc được đại diện bởi các nhà đạo sĩ và những người khiêm tốn đứng cạnh các mục đồng.

Chúa nói về chính mình. Lời của Ngài hiện thân là sự thể hiện hoàn hảo của tình yêu Ngài đối với nhân loại. Không thể hiểu nổi, thậm chí thật là mầu nhiệm, Ngài mạc khải chính mình trong cách huyền nhiệm nhưng khiêm tốn. Chúng ta biết rằng ở một số quốc gia, việc sinh con là một lý do để ăn mừng vì đó là một dấu hiệu của phúc lành, một món quà từ Thiên Chúa, từ đó phát sinh các biểu hiện nghi lễ khác nhau để chào đón người con ấy. Tuy nhiên, Hoàng tử Hòa bình đến với chúng ta vào ban đêm, tại một thời điểm khi cuộc sống dừng lại, các tạo vật được nghỉ ngơi. Chỉ có các Thiên thần cất lên bài Thánh ca để chúc tụng Thiên Chúa: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2:14). Đối diện với mầu nhiệm của Chúa giáng sinh, đó là căn tính của Con Thiên Chúa được mạc khải và chúng ta được mời gọi nhận ra Ngài, đồng thời cật vấn về thân phận của chúng ta. Trong thực tế, Ngài muốn chúng ta ra khỏi bóng tối để dẫn chúng ta đến ánh sáng của sự sống.

Giáo hội có sứ mạng loan báo tin mừng này cho thế giới. “Một điều gì đó mà chúng ta đã nghe và chúng ta đã thấy bằng chính mắt mình; mà chúng ta đã theo dõi và chạm vào bằng chính đôi tay của mình: Lời, là sự sống - đây là chủ đề của chúng ta” (1Ga 1,1-4). Thật là một niềm vui khi tin vào Thiên Chúa, Đấng muốn gần gũi với chúng ta để chia sẻ thân phận con người và mang lại hạnh phúc cho chúng ta! Thật vui khi truyền tải ý nghĩa thực sự của Giáng sinh đến cho nhân loại thông qua những cử chỉ đẹp đẽ của tình huynh đệ, sự quảng đại và chia sẻ để nuôi dưỡng ước muốn trải nghiệm sự đa dạng từ sự phân hóa văn hóa xã hội hoặc tôn giáo! Là môn đệ, đây không phải là sứ mạng của chúng ta để trình bày thông điệp hòa bình mà Chúa Giêsu mang đến và thắp lại những trái tim bị băng giá bởi những niềm vui thoáng qua mà thế giới này mang lại sao?

Được linh hoạt bởi tinh thần hiệp thông và tình liên đới phúc âm, chúng ta hãy nghĩ về tất cả các gia đình và tất cả những người mà chúng ta gặp gỡ để chúc mừng Giáng sinh và trao đổi lời chúc mừng năm mới. Chúng ta đừng quên những người có nghĩa vụ phải rời khỏi ngôi nhà của họ, sự ấm áp của gia đình họ để trốn chạy vì chiến tranh và nạn đói xua đuổi. Cuối năm nay đặc biệt được đánh dấu bởi các làn sóng nổi dậy ở một số quốc gia trên thế giới. Mặt khác, các đám cháy có cường độ lớn được ghi nhận ở đây đó, lũ lụt và hạn hán, chết chóc và bất lực. Tuy nhiên, chúng ta có thể vui mừng với những dấu hiệu tích cực khẳng định lại niềm hy vọng và niềm tin của chúng ta rằng chúng ta có thể thay đổi thế giới bằng những cử chỉ cứu rỗi.

Mến chúc chị em một mùa Giáng sinh vui vẻ và một năm mới của “không gian gặp gỡ”, mời chị em đến chiêm ngưỡng Thiên Chúa, Đấng trao ban chính mình trong sự bình an và không bạo lực. Tình yêu của Người được thông truyền qua những nhà truyền giáo của hôm qua và hôm nay, những người khuyến khích đối thoại cho quyền tự do tôn giáo và lương tâm ở Bắc Phi, mục vụ giới trẻ ở Philippines, ở Ăng-gô-la, ở Đông Âu và ở Brazil. Và làm thế nào chúng ta lại không thể cảm ơn Chúa vì những FMM dũng cảm, những nhà truyền giáo đã bước chân lên mảnh đất Myanmar trong một thế kỷ? Bút ký của họ đã để lại dấu vết không thể xóa nhòa và sự hiện diện FMM tiếp tục là một dấu hiệu của hy vọng và năng động truyền giáo. Với Giáo hội, chúng ta hãy mạo hiểm và đi vào con đường hoán cải, điều mà được Thượng Hội đồng về Amazon mời đến để có thể nghe thấy tiếng khóc của người nghèo, của tuổi trẻ và để gieo hạt giống của sự sống.

Agnès Diouf, fmm

Nguồn Meeting Space tr 1.